Tinh Hoa

7 công trình kiến trúc cổ xưa khiến con người hiện đại phải kinh ngạc

Nhiều người tưởng rằng xã hội ngày nay là nền văn minh tiên tiến duy nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Tuy nhiên, nhìn những công trình kiến trúc cổ đại dưới đây, bạn sẽ thấy khả năng sáng tạo và hiểu biết của người xưa là không hề thua kém thậm chí vượt xa con người hiện đại.

Cầu dẫn nước của người La Mã vẫn còn sử dụng được cho đến ngày nay. (Ảnh: Wikipedia)

Với những thành tựu mà con người hiện đại có được, hầu hết chúng ta luôn cho rằng mình là những người văn minh, được sống trong một xã hội tiên tiến, nơi có những đấu trường, viện bảo tàng, sân vận động và nhiều tòa nhà chọc trời.

Chúng ta tự xem nền văn minh của mình là nền văn minh tân tiến nhất từ lúc Trái đất khai sinh. Điều này đôi khi đã khiến chúng ta xem nhẹ nền văn minh của tổ tiên mình. Theo đó, không ít người đã đánh giá khá thấp khả năng xây dựng của người xưa với những công trình kiến trúc đã bị phai mờ theo thời gian.

Tuy nhiên, nếu như bạn dụng tâm tìm hiểu về 7 công trình kiến trúc cổ đại dưới đây, đảm bảo bạn sẽ nhận thấy những quan điểm của mình là hoàn toàn sai lầm. Bởi, đối với những công trình cao cấp này, thì dù có muốn con người hiện đại cũng không bao giờ có thể xây dựng được.

Cầu dẫn nước La Mã

Cận cảnh cầu dẫn nước Pont du Gard của La Mã. (Ảnh: LiveJournal)

Cầu dẫn nước La Mã là một trong những hệ thống cống dẫn nước được phát triển từ thời kỳ La Mã vào những năm 312 TCN. Nó từng được người La Mã cổ đại xem là một niềm tự hào trong rất nhiều thành tựu vượt bậc về khoa học và xây dựng.

Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo của mình, người La Mã cổ đại đã tạo nên một hệ thống cầu dẫn nước đường ống bằng đá và bê tông cho thành phố. Những công trình này đã cung cấp nguồn nước ngọt cho nhà ở, nhà tắm công cộng và đài phun nước vào lúc bấy giờ.

Ngày nay, một số hệ thống cầu dẫn nước La Mã vẫn còn được sử dụng. Nó chính là minh chứng hùng hồn nhất cho kỹ thuật xây dựng tiên tiến của tổ tiên loài người. Những người đã sống trước chúng ta hàng trăm thế kỷ.

Thành phố cổ petra – Jordan

(Ảnh: Pinterest)

Giữa những năm 400 – 106 TCN, Petra là thủ đô của đế chế Nabataean với khoảng 20.000 cư dân sinh sống. Vào thời kỳ này, đây là điểm giao dịch vô cùng sôi động của khu vực. Nhưng đến khi nó bị chiếm đóng bởi Rome, nền kinh tế thương mại của vùng đất bắt đầu suy giảm.

Tuy nhiên, đến nay thành phố Petra vẫn rất nổi tiếng. Mọi người biết đến thành phố này nhờ vào lối kiến trúc cắt đá độc đáo và mạng lưới giao thông, thủy lợi vô cùng tiên tiến, mặc dù nó được xây dựng trong thời kỳ cổ đại.

Hiện tại chỉ có khoảng 15 % diện tích thành phố đá Petra được khai quật. Điều này đồng nghĩa hầu hết các căn nhà bằng đá khổng lồ vẫn đang bị chôn vùi và chưa được khám phá.

Pháo đài Sacsayhuamán – Peru

Làm thế nào con người cổ đại có thể xây dựng được công trình kỳ vĩ này? (Ảnh: Peru.travel)

Nằm ở vùng ngoại ô thành phố cổ Cusco, Peru, các tàn tích của pháo đài Sacsayhuamán khiến nhiều người ngạc nhiên khi tiến hành thăm dò và nghiên cứu nó.

Đây là một trong những công trình mang đậm nét văn hóa Killke. Nó có niên đại khoảng năm 1100 SCN. Nơi đây nổi tiếng với những bức tường đá khổng lồ có trọng lượng lên đến 200 tấn.

Không một ai biết được những tảng đá khổng lồ này được vận chuyển đến nơi có độ cao 3.701 m như thế nào và cũng chưa có bất kỳ một ai khám phá ra những viên đá này được gắn chặt với nhau bằng cách gì. Nó thậm chí khít đến mức một tờ giấy mỏng cũng không thể lọt qua những khe đá.

Vòng tròn Goseck, Đức

Vòng tròn Goseck sau khi được phục dựng. (Ảnh: Internet)

Vòng tròn Goseck hay còn gọi là Stonehenge Đức. Vòng tròn Goseck được xây dựng từ năm 49 TCN với niên đại khoảng 7.000 năm tuổi.

>>> Phát hiện đài quan sát mặt Trời cổ đại sớm nhất trên thế giới

Công trình này chính là đài quan sát Mặt trời lâu đời nhất trên thế giới cùng nằm trên vĩ độ của vòng tròn Stonehenge ở Anh. Đặc biệt, nó có nhiều điểm tương đồng với chiếc đĩa đồng được tìm thấy cách đó khoảng 25 km, gọi là đĩa Nebra Sky.

Công trình này đã cho thấy sự hiểu biết vượt bậc của những nông dân châu Âu thời cổ đại. Sự hiểu biết ấy vượt xa so với những giả thuyết đã được đưa ra trước đó.

Ngoài ra, vòng tròn Goseck còn thể hiện niềm tin tôn giáo mãnh liệt của người châu Âu thời kỳ đó.

Thành phố ngầm Derinkuyu, Thổ Nhĩ Kỳ

Thành phố ngầm Derinkuyu. (Ảnh: noticiasdeturismo.com)

Thành phố Derinkuyu khổng lồ nằm dưới lòng đất đã bất ngờ được phát hiện vào năm 1968. Thành phố 18 tầng này được tìm thấy ở vùng Cappadocia của Thổ Nhĩ Kỳ – Nơi nổi tiếng trên khắp thế giới về những mạng lưới mê cung mênh mông và nay là một thành phố dưới lòng đất.

Theo các nhà khảo cổ, công trình này có quy mô rất lớn với sức chứa lên đến 20.000 người. Mỗi gian phòng sẽ phục vụ cho các mục đích khác nhau như: khu vực nhà ở, đền thờ, cửa hàng, ngôi mộ và nhiều hơn thế nữa.

Điểm đặc biệt thu hút sự chú ý của mọi người chính là thành phố này cũng có hệ thống ống dẫn nước và an ninh hiện đại, nhằm đảm bảo sự sống còn và an toàn của cư dân tại đây.

Không một ai biết nó đã được xây dựng từ bao giờ và chủ nhân của nó là ai, nhưng theo các nhà khoa học thì chỉ có những người có kiến thức chuyên sâu về địa lý, địa chất và kiến trúc mới có thể xây nên một công trình hoành tráng như thế.

Quần thể hang động Long Du

Bên trong hang động Long Du. (Ảnh: Turborotfl.com)

Hang Long Du gồm một loạt các hang động nhân tạo được cho là ít nhất đã 2000 năm tuổi và là một trong những công trình lớn nhất do con người xây dựng dưới lòng đất. Nhiều nhà nghiên cứu đã phải bối rối trước kích thước và độ chính xác của các hang động.

Các nhà khảo cổ học, kỹ sư, kiến ​​trúc sư và các nhà địa chất trên toàn thế giới đã cố gắng tìm hiểu cách thức, thời gian và mục đích xây dựng các hang động nhân tạo này, nhưng không ai có thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho tất cả bí ẩn về công trình đó.

Pumapunku – Bolivia

Những khối đá như được chạm khắc bằng máy Laser công nghệ cao. (Ảnh: Ancient UFO)

Khu phức hợp đền thờ Pumapunku nằm trong thành phố Tiwanaku cổ xưa, nơi được coi là một trong những khu vực cổ kính nhất trên hành tinh.

Nhiều nhà sử học và khảo cổ học ước tính rằng công trình có niên đại khoảng 536 SCN, nhưng một số ý kiến khác thì cho rằng nó được xây dựng vào khoảng 17.000 năm trước.

Điều làm cho Pumapunku trở nên rất đặc biệt chính là nó được xây dựng bởi các khối đá liên kết nhau gần như hoàn hảo. Như thể chúng được chạm khắc bằng máy Laser công nghệ cao, thay vì những công cụ thô sơ phổ biến ở thời kỳ cổ đại là đục, đẽo.

Đây chính là một trong những bằng chứng về nền văn minh tiền sử đã vượt xa những gì mà con người hiện đại tưởng tưởng và phỏng đoán. Cũng vì điều này mà nhiều suy đoán rằng: Ngôi đền đã được xây dựng nhờ công nghệ tiên tiến nào đó, hoặc thông qua sự hỗ trợ của người ngoài hành tinh.

Như vậy, với những công trình kiến trúc cổ đại vô cùng kỳ vĩ trên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị của nó và càng không thể không công nhận những nền văn minh tiên tiến của tổ tiên, những người đã sống trước ta hàng ngàn năm. Điều này chứng tỏ, khả năng sáng tạo và hiểu biết của người cổ đại là không hề thua kém con người hiện đại.

Uniwriter