Cứ 100 bệnh nhân xương khớp thì đến 70 bị diễn tiến nặng, 10 người có thể mất khả năng vận động, song theo các bác sĩ chuyên khoa khớp, nhiều người có triệu chứng bệnh mà không đi khám.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ, 56 tuổi nhà ở Tây Ninh, là một ví dụ. Khớp ngón tay đau, bà uống thuốc giảm đau và xoa dầu, đến khi thấy khó cử động mới vào bệnh viện khám phát hiện đã bị viêm khớp ở giai đoạn muộn không còn kịp chữa trị.
Các bác sĩ khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), xác định bà Mỹ đã vào giai đoạn muộn bởi bệnh đã kéo dài khoảng 2 năm. Hiện bệnh nhân vẫn được điều trị, tuy nhiên khả năng tàn phế là rất cao vì xương đã bị ăn mòn.
Bàn tay của người bị viêm khớp đến điều trị muộn trên phim chụp. Ảnh: Thiên Chương |
Bà Mỹ không phải là trường hợp duy nhất. Anh Trần Văn Tuấn nhà ở Bù Đăng (Bình Phước) đến bệnh viện Chợ Rẫy khi các ngón bàn tay phải có biểu hiện cong và co duỗi khó khăn. Các xét nghiệm sau đó cho thấy, các sụn khớp xương tay của bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến tình trạng biến dạng các ngón tay.
“Tình trạng mỏi và đau các khớp ngón tay chỉ xảy ra chừng một tiếng đồng hồ mỗi ngày, cứ nghĩ tại mình làm việc nhiều nên tôi chỉ uống thuốc giảm đau. Nào ngờ giờ phải đối diện với nguy cơ bị tàn phế”, anh Tuấn nói.
Những bệnh nhân chờ đến khi bệnh nặng mới đi khám như bà Mỹ, anh Tuấn, theo các bác sĩ chuyên khoa nội xương khớp là không ít. Cứ 100 bệnh nhân khớp thì có đến hơn nửa đến bệnh viện khi mà hiện tượng đau đã quá khả năng chịu đựng.
Tiến sĩ Lê Anh Thư, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, mỗi tháng có hàng chục bệnh nhân khớp đến điều trị trong tình trạng muộn, nhiều người đến bệnh viện thì bệnh đã quá nặng không thể điều trị.
Theo tiến sĩ Thư, viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, tức khoảng 20% số bệnh nhân tự động hết bệnh sau một năm. Song đến 70% bệnh nhân có nhiều đợt tiến triển và xu hướng nghiêm trọng dần lên. Đặc biệt cứ 100 bệnh nhân khớp dạng thấp thì có 10 người tiến triển nhanh và gây tàn phế. “Chính vì thế người bệnh không nên chủ quan”, tiến sĩ Thư nhấn mạnh.
Viêm khớp dạng thấp chiếm 1% dân số, bệnh nhân nữ nhiều gấp 2 đến 3 lần bệnh nhân nam và tập trung ở lứa tuổi từ 40 – 60. Không gây tử vong ngay nhưng bệnh lại gây tàn phế rất cao.
Các nghiên cứu trên bệnh nhân khớp cho thấy chỉ sau 5 năm phát bệnh, số bệnh nhân khớp còn chức năng lao động bình thường chỉ khoảng 40%, và 16% mất chức năng đi lại nghiêm trọng. Ngoài ra, bệnh còn gây các biến chứng như mệt mỏi, tim mạch, thiếu máu, ác tính và loãng xương. Đặc biệt đối với biến chứng tim mạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 4 lần.
“Bệnh nguy hiểm, nhưng trên thực tế những bệnh nhân điều trị sớm có thể ngăn ngừa các tổn thương không hồi phục tại khớp. Vì thế khi có các biểu hiện cứng khớp hoặc sưng khớp kéo dài tối thiểu một giờ vào sáng và tối kèm mệt mỏi, sụt cân, thi thoảng sốt nhẹ, bệnh nhân cần đi khám để được tư vấn điều trị”, bác sĩ Thư nói.
Cao Lâm