Trong vòng 3 năm (2007-2010), số người thừa cân béo phì tại Việt Nam đã tăng khoảng 10%, theo số liệu điều tra của Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam. Cứ 100 người trong độ tuổi 25-74 thì đến 26 người bị béo phì.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm ở Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tình trạng thừa cân, béo phì tăng nhanh qua mỗi năm. Khoảng 20 năm trước, 5% người Việt Nam bị thừa cân, béo phì. Năm 2007, hơn 16% người Việt Nam trưởng thành gặp tình trạng này, 40% bị béo bụng. Chỉ trong vòng 3 năm sau, đến 2010, tỷ lệ này đã tăng thêm gần 10%, ở mức xấp xỉ 26%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thừa cân là tình trạng vượt quá cân nặng nên có so với chiều cao, còn béo phì là tình trạng tích lũy mỡ thái quá và không bình thường tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do vậy khi đánh giá béo phì thì không chỉ tính đến cân nặng, mà phải quan tâm đến tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Khi tình trạng tích lũy mỡ trong cơ thể kéo dài hàng năm, gọi là thừa cân lâu năm. |
Tình trạng thừa cân béo phì chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2010, tình trạng thừa cân, béo phì tại các thành phố lớn chiếm tỷ lệ khoảng 40,4%, trong khi vùng nông thôn 25,2%.
Nguyên nhân được các chuyên gia dinh dưỡng lý giải là ngày nay chế độ ăn uống thừa nhiều chất, nhiều người không biết cách lựa chọn thức ăn để cân bằng chế độ dinh dưỡng cho phù hợp. Ngoài ra, công việc bận rộn nên nhiều người không có thời gian để hoạt động thể lực, dẫn đến chỉ số cân nặng càng tăng trong khi sức khỏe cứ ngày một giảm sút.
“Điều kiện kinh tế phát triển, người thành phố có cơ hội ăn những thực phẩm nhiều chất béo, dinh dưỡng cao, năng lượng dư thừa và ít có thời gian vận động cơ thể. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ thừa cân béo phì giữa thành phố lớn và nông thôn có sự chênh lệch rõ rệt”, bác sĩ Lâm chia sẻ.
Còn bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM nhận xét, tình trạng thừa cân béo phì thường gặp ở lứa tuổi trung niên do đây là tuổi bắt đầu có thay đổi về nội tiết tố, vì vậy mỡ cũng tích lũy theo xu hướng tự nhiên. Ngoài ra, người ở lứa tuổi này thường giảm các hoạt động về thể lực, song lại nạp vào cơ thể quá nhiều chất béo… kèm theo đời sống khá căng thẳng và thường xuyên gặp phải tình trạng stress.
Bác sĩ Diệp cho rằng, khi đã bị béo phì thì việc giảm cân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Người béo vừa phải tiêu hủy lớp mỡ lâu năm, vừa phải ngăn chặn sự hình thành lớp mỡ mới trong cơ thể.
Mỡ tích lũy trong cơ thể càng lâu càng khó chuyển hóa do bị bao bọc bởi lớp màng cứng khó phá vỡ. Do đó người thừa cân lâu năm sẽ càng khó phục hồi hình dáng mảnh mai.
Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Ảnh: Coolhealthtips. |
Thừa cân, béo phì được coi là bệnh mãn tính, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Những người thừa cân, béo phì thường có nguy cơ mắc các bệnh về tiểu đường, huyết áp cao, sỏi mật… Mặt khác, họ thường tự ti về ngoại hình, hay có tư tưởng nổi loạn, thụ động, có suy nghĩ và làm việc chậm chạp…
Theo bác sĩ Diệp, người thừa cân, béo phì thường thất bại trong việc giảm cân do không kiên nhẫn áp dụng, duy trì và phối hợp các biện pháp chữa trị hiệu quả. Nhiều người khó thể thay đổi thói quen trong sinh hoạt nên ảnh hưởng đến quá trình giảm béo.
“Nếu muốn giảm cân bền vững, nhất thiết bạn phải biết kiểm soát tốt chế độ ăn uống, cân đối năng lượng nạp vào cơ thể qua việc chọn lựa thực phẩm, cắt giảm chất bột đường, giảm chất béo, tăng rau, duy trì độ đạm hợp lý… Bạn cần kiểm soát cách thức ăn uống như cắt giảm bữa ăn từ từ và duy trì các bữa ăn đều đặn”, bác sĩ Diệp khuyên.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các nước đang phát triển không chỉ áp dụng những giải pháp đơn giản trong việc kiểm soát thừa cân, béo phì, mà còn giáo dục cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm thay đổi thói quen về hoạt động thể lực và cải thiện chế độ ăn một cách phù hợp, hiệu quả.
Người gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì nên có chế độ ăn kiêng hợp lý, nhưng vẫn giữ sức khỏe. Bên cạnh đó cần phải duy trì tập những môn thể dục thể thao có cường độ trung bình trong thời gian 30 phút đến một tiếng mỗi ngày. Người quá béo có thể được khuyên dùng một số biện pháp can thiệp như thuốc giảm cân, phẫu thuật dạ dày để thu nhỏ diện tích, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên… Các biện pháp này sẽ có tác động đồng thời, giúp ngăn tạo lớp mỡ mới trong cơ thể và làm tiêu hủy lớp mỡ lâu năm.
“Cần phối hợp đồng bộ và duy trì những biện pháp giảm cân lâu dài; xây dựng một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng vừa đủ, không hút thuốc, uống rượu, thức quá khuya, siêng tập thể dục thể thao…”, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên.
Minh Thư