Theo Đông y, thạch cao vị ngọt, cay, tính rất hàn. Vào các kinh phế, vị và tam tiêu. Có tác dụng giải cơ, thanh nhiệt, trừ phiền chỉ khát. Dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh, sốt cao, kích ứng vật vã, miệng khô, khát nước, đau răng, loét miệng…
Thạch cao còn gọi là đại thạch cao, bạch hổ, băng thạch. Tên khoa học Gypsum. Thạch cao là calci sunfat ngậm nước. Loại ngậm 1/2 phân tử nước thường dùng trong Tây y để băng bó, đắp khuôn, bó bột. Loại ngậm 2 phân tử nước là thạch cao mềm dùng làm thuốc Đông y.
Liều dùng: 12 – 150g.
Củ năn tươi nấu với thạch cao tốt cho người bệnh sốt cao do virut, đau đầu do tăng huyết áp.
|
Thạch cao được dùng làm thuốc chữa các bệnh sau:
Thanh nhiệt, giáng hoả: Các bệnh nhiệt, phổi và dạ dày rất nhiệt, nóng nhiều không bớt, miệng khát muốn uống nước, ra mồ hôi, mạch hồng đại, thậm chí mê man nói sảng. Dùng một trong các bài:
– Thạch cao sống 24g, tri mẫu 12g, cam thảo 8g, ngạnh mễ 8g. Sắc uống. Trị các bệnh nhiệt cấp tính có các chứng sốt cao, ra mồ hôi, miệng khát và háo.
– Thạch cao sống 150g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, bản lam căn 24g, tri mẫu 20g, cam thảo 4g, bạc hà 4g. Sắc uống. Trị viêm màng não B thời kỳ đầu, phát sốt, buồn ngủ hoặc háo khát.
– Thạch cao sống 20 – 62g, bản lam căn 24g, huyền sâm 12g, xích thược 12g, sơn chi sống 12g, tri mẫu 16g, câu đằng 16g, cương tằm 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị viêm màng não B thể nặng, sốt cao, hôn mê, co quắp.
Mát phổi dịu hen: Các chứng thực nhiệt ở phế, vị, khó thở, tim hồi hộp, miệng khát.
– Thạch cao sống 20g, ma hoàng 6g, hạnh nhân 8g, cam thảo 4g, kim ngân hoa 12g, bản lam căn 20g, sắc uống. Bài thuốc này thường dùng cho trẻ 1 – 3 tuổi; trị viêm phổi mùa đông và xuân thời kỳ đầu và giữa, suyễn, mình sốt, có mồ hôi hoặc không có mồ hôi, miệng khát, khô háo bứt rứt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng khô, mạch nhanh và mạnh.
– Thạch cao sống 12g, trúc diệp 4g, mạch đông 12g, bán hạ 6g, cam thảo chích 4g, ngạnh mễ 12g, sa sâm 12g, hoàng cầm 8g, tỳ bà diệp 8g. Sắc uống. Trị viêm phổi thời kỳ cuối và giữa, hơi sốt hoặc sốt nhẹ, suyễn không rõ, ít mồ hôi hoặc hơi có mồ hôi, lưỡi đỏ, ít rêu hoặc rêu vàng, mạch hư.
Mát dạ, dịu khát: Các chứng dạ dày nhiệt, miệng khát hoặc hỏa ở dạ dày bốc nóng sinh ra đau đầu, nhức răng: thạch cao 20g, tri mẫu 6g, ngưu tất 6g, thục địa 20g, mạch đông 8g. Sắc uống.
Thanh nhiệt, tiêu ban: Các trường hợp nhiệt độc ứ đọng, phát ban, phát sởi: thạch cao sống 32g, tri mẫu 16g, cam thảo 8g, ngạnh mễ 8g, tê giác 4g, huyền sâm 16g. Sắc uống.
Một số món ăn – bài thuốc có thạch cao:
– Cháo thạch cao trúc diệp: thạch cao 45g, trúc diệp tươi 12g, gạo tẻ 100g. Thạch cao, trúc diệp nấu lấy nước; dùng nước này để nấu cháo với gạo tẻ. Khi cháo được, cho thêm đường phèn hoặc đường trắng. Dùng cho trường hợp sốt cao, họng khô, khát nước.
– Chè thạch cao thông bạch: Dùng thạch cao 150g, hành sống và chè tươi hoặc chè gói liều lượng tùy ý, nấu hãm lấy nước cho uống. Dùng cho trường hợp đau đầu trong các bệnh đau nửa đầu, đau đầu do sốt virut, tăng huyết áp…
– Cháo thạch cao lô căn: thạch cao 30g, lô căn 30g, gạo tẻ 60g. Nấu thạch cao và lô căn với nước, đem nước nấu với gạo tẻ thành cháo, chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng cho bệnh nhân phù ứ nước, tiểu ít, táo bón…
Bột thạch cao nung chỉ dùng ngoài cho các vết sưng tấy, nhọt vỡ, vết bỏng, phát ban do ẩm… Không dùng theo đường uống, nếu uống vào thạch cao nung hút nước, trương nở gây tắc ruột mà chết.
Kiêng kỵ: Vị thuốc này trị các chứng thực, dương nhiệt có dư, người tỳ vị hư hàn hoặc âm huyết hư phát nhiệt không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang
Theo suckhoedoisong