|
Mì ăn liền, thường được gọi là “mì tôm”, thực chất chẳng có con tôm, miếng thịt nào hoặc nếu có thì chỉ là hình vẽ hoặc chút nước vỏ tôm.
Thành phần mỳ ăn liền:
– Bột mì (98 – 99%), có khi trộn lẫn một ít bột ngũ cốc khác hay khoai củ.
– Gói bột nêm mà chủ yếu là muối, mì chính (monosodium glutamat) rất mặn.
– Gói sa tế (dầu cọ + gia vị tỏi, tiêu…) hoặc gói hành phi.
– Dầu mỡ để chiên mì (thường là shortening: loại acid béo trans).
Về mặt lợi ích:
Mì ăn liền được chế biến rất tiện lợi (chỉ cần chế nước sôi vào là có ngay tô mì vị thịt), thơm ngon, có thể nói ai ăn cũng thích, nhưng đó là vị giác của con người bị phỉnh lừa bởi mì chính (bột ngọt) là chất có vị ngọt của thịt mà muốn cho có vị ngọt thịt thì phải cho thêm thật nhiều muối (NaCl) nó mới tạo ra vị thịt.
Về giá trị dinh dưỡng
Mì ăn liền chủ yếu cung cấp chất bột từ bột mì và 9% chất đạm thực vật – cũng từ bột mì, nếu trộn khoai tây vào thì đạm rất kém (vì khoai tây chỉ chứa 1 – 2% protein thôi).
Protein động vật kể như không có (hình vẽ hoặc chỉ thêm mươi “viên thịt cỡ bằng hột tiêu” trong gói hành phi!).
Giá trị dinh dưỡng của mì ăn liền là không cân bằng vì thiếu đạm động vật và sinh tố từ rau quả tươi. Chẳng những thế mà mì ăn liền còn rất mất cân bằng vì lượng bột ngọt và muối quá nhiều!
Nếu bạn ăn hết tất cả những gì trong một gói mì ăn liền, kể cả gói bột nêm và nước dùng thì cả buổi sau đó bạn có thể “bí tiểu” mà không hay! Bí tiểu thì cơ thể không được giải độc, nếu ăn mì tôm thường xuyên thì bạn sẽ bị ngộ độc vì ít đi tiểu…
Cái nguy hại nhất thường có trong mì ăn liền là chất béo trans. Đó là các dầu thực vật được hydrogen hóa mất các nối đôi ở vị trí trans nên chúng trở nên “trơ”, nghĩa là không bị oxy hóa (ôi dầu) khi mì được tồn trữ lâu ngày. Vì thế đa số các loại mì tôm đều được chiên bằng chất béo trans, còn gọi là “bơ thực vật” như shortening, margarin…
Chất béo trans (trans fat) có cái lợi là ở thể rắn có thể dùng như bơ và không bị oxy hóa, có lợi về mặt công nghiệp thực phẩm (dùng trong các loại fastfood như mì tôm, khoai tây chiên, các món “giòn giòn” (crackers), đậu phộng da cá, bánh mì kem, kem, các loại bánh ngọt có “bắt bông kem”…).
Nhưng chúng rất có hại về mặt sức khỏe người tiêu dùng vì nó làm tăng cholesterol xấu (LDL) và đồng thời cũng làm giảm cholesterol tốt (HDL) xuống gây xơ vữa động mạch (gây hẹp lòng động mạch) nên làm giảm sự lưu thông của máu.
Chất béo trans không thể được chuyển hóa hoàn chỉnh trong cơ thể mà “đọng lại” trong thành mạch thành khối xơ vữa, nếu dùng lâu ngày sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là xơ vữa động mạch nên rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. (Đến tuổi 40 trở đi, những người dùng nhiều acid béo trans sẽ bị thiếu máu cơ tim, tai biến tim mạch).
Các nghiên cứu khoa học ở các nước Âu Mỹ đã chứng minh điều trên nên ngày nay họ đã có luật cấm dùng các chất béo trans trong thực phẩm hoặc phải ghi đầy đủ hàm lượng acid béo trans trong thực phẩm trên nhãn hiệu thực phẩm ấy để người tiêu dùng biết mà tránh.
Tóm lại, mì ăn liền (mì tôm) là loại thức ăn nhanh, có thể được dùng theo như vai trò của nó là dùng để ăn tạm “chữa cháy” khi thật cần thiết chứ không nên dùng thường xuyên và khi dùng cũng nên đập thêm vào một quả trứng, thêm một ít rau tươi, và chỉ nên dùng 1/3 gói bột nêm trong đó mà thôi. Và ngành công nghiệp mì ăn liền cũng cần sản xuất ra sản phẩm không có chất béo trans.
(Theo Khoa học phổ thông)