Những hình ảnh đầu tiên về Triton, vệ tinh lớn nhất của Hải Vương tinh 25 năm trước, đã được phục hồi và đưa vào ứng dụng trong việc thiết kế tấm bản đồ màu tổng thể tốt nhất từ trước đến nay.
Sau 25 năm kể từ khi tàu vũ trụ Voyager 2 có cuộc hành trình đầu tiên và duy nhất qua Hải Vương tinh và Triton, vệ tinh lớn nhất của nó; thì mới đây, nhằm chuẩn bị cho cuộc thăm dò sao Diêm Vương năm sau, tấm bản đồ màu tổng thể với độ phân giải cao của Triton đã được giới thiệu trước công chúng.
Nhà khoa học Paul Schenk thuộc Viện Mặt Trăng và Hành tinh Mỹ ở Houston đã sử dụng hình ảnh thu từ chuyến bay của Voyager 2 qua Hải Vương tinh và Triton trong ngày 25/8/1989 để tạo ra một tấm bản đồ tổng thể bao quát bề mặt Triton, với độ phân giải 600 mét/pixel. Bản đồ Triton mới này cũng được xem là tấm bản đồ màu tổng thể tốt nhất từ trước tới nay.
Schenk đã cải tiến màu sắc của bản đồ bằng cách sử dụng bộ lọc màu xanh lá cây, xanh dương và cam nhằm tăng sự tương phản mà không làm sai lệch quá nhiều với màu tự nhiên của Triton.
Những hình ảnh của bản đồ cũng được chuyển thành một đoạn video ngắn tái tạo lại lần gặp gỡ giữa Voyager 2 và Hải Vương tinh đúng 25 năm trước.
Việc xây dựng bản đồ Triton nhằm sử dụng cho kế hoạch gặp gỡ giữa vệ tinh New Horizons của NASA và Diêm Vương tinh vào ngày 14/7 năm sau. Theo dự kiến, vệ tinh này cũng sẽ bay qua quỹ đạo của Hải Vương tinh vào 25/8/2014.
Mặc dù Triton là một vệ tinh còn sao Diêm Vương chỉ là một hành tinh lùn nhưng chúng gần như có cùng kích thước và thành phần vật thể; đồng thời quỹ đạo kỳ lạ đi ngang Hải Vương tinh của sao Diêm Vương phần nào gợi ý cho giả thuyết về nguồn gốc của Triton. Do đó, bản đồ Triton sẽ được sử dụng để tham khảo cho cuộc thăm dò sắp tới tại Diêm Vương tinh.
Sao Diêm Vương không phải là một bản sao của Triton nhưng chúng có một số đặc điểm tương đồng. Triton hơi lớn hơn sao Diêm Vương, với thành phần chất dễ bay hơi ở nhiệt độ thấp đóng băng trên bề mặt bao gồm: cacbon monoxit (CO), cacbonic (CO2), metan(CH4), nitơ lỏng; ni-tơ cũng là thành phần chính trong bầu khí quyển của vệ tinh này.
Triton là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Hải Vương tinh và là một trong những vật thể lạnh nhất trong Hệ Mặt Trời, được tìm thấy chỉ sau 17 ngày phát hiện ra Hải Vương tinh. Một giả thuyết cho rằng nguồn gốc của Triton có những nét tương đồng với sao Diêm Vương.
Hồ Duyên@Bocau.net
Theo Huffington Post.