Các kỹ sư y sinh đã phát hiện ra một phương pháp giúp gắn chặt chất bôi trơn với một phân tử nhân tạo, nhờ đó về cơ bản sẽ “dính” được chất bôi trơn này lên bề mặt sụn và mô mắt.
Jennifer H. Elisseeff, giáo sư ngành mắt, kỹ sư y sinh, thuộc khoa vật liệu học trường Đại học Johns Hopkins nói: “Điều làm tôi cảm thấy hứng thú với khái niệm này là chúng ta đang bắt chước một chức năng tự nhiên đã mất, nhờ sử dụng các chất liệu tổng hợp nhân tạo”.
Trong một nghiên cứu mới, đăng trên tạp chí Nature Materials, Elisseeff đã xem xét những phân tử gọi là peptid gắn HA, HA-binding peptides (HABpeps). Cô và các đồng nghiệp đã thí nghiệm dùng một phân tử tổng hợp nhân tạo thứ hai là polyethylene glycol, để gắn chặt HA lên bề mặt sụn tự nhiên và nhân tạo, và cả mô mắt.
Thử nghiệm trên mô và trên động vật cho thấy HA bị gắn không còn dễ dàng bị “rửa trôi” như trước. Đồng thời hợp chất này còn giúp giảm ma sát giữa các mô không kém gì khi mô được ngập trong HA không bị gắn. Khi tiêm thử nghiệm trên sụn đầu gối chuột, kết quả cho thấy HA tồn tại trong khoảng thời gian gấp 12 lần so với ở chuột chỉ tiêm HA. Chúng cũng giúp người đeo kính áp tròng thoải mái hơn và “bôi trơn” những mô mắt bị tổn thương.
Tiêm HA, một phương pháp được biết đến với tên gọi viscosupplementation, là một phương pháp điều trị phổ biến cho đau khớp. Tuy nhiên, vì không có phương pháp giữ HA tại đúng vị trí đó, nên quá trình làm sạch tự nhiên của cơ thể sẽ sớm “rửa trôi” HA.
HA là thành phần quan trọng có trong các mô giúp bôi trơn trong tự nhiên; đồng thời cũng giúp giảm viêm, và bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương do trao đổi chất. Những khớp bị bệnh, tổn thương, lão hóa tại hông, đầu gối, vai và khuỷu tay thường có độ tập trung HA rất thấp.
Theo vietdaikynguyen