Một bài viết thể hiện sự trăn trở của một bạn trẻ về tương lai và định hướng của thế hệ ‘9x’.
Năm tôi lên 5, mẹ tôi cho tôi tham gia hát múa ở trường mầm non. Hồi đấy tôi thích lắm, mơ rằng sau này mình sẽ là ca sĩ. Nhưng sau đó tôi nhận ra sở thích hay quan sát mọi thứ xung quanh của mình, vậy là tôi mơ ước sau này được làm hoạ sĩ. Cũng giống như những bạn bằng tuổi tôi thôi, hồi bé chúng ta cứ ước mơ là được làm giáo viên, bác sĩ, chú kỹ sư, v.v… nhưng chẳng có ai nói cho chúng ta biết: để làm những công việc đấy thì phải cần phải học những gì, phải làm thế nào để sống vì những ước mơ ấy, và những ước mơ ấy sẽ giúp chúng ta sống ra sao.
Khi tôi học xong cấp 1 là lúc Người Lớn quyết định cải cách giáo dục bằng bộ sách giáo khoa mới toanh. Tôi còn nhớ lúc mẹ tôi mua chồng sách đấy về nhà, tôi dành cả một mùa hè để ngồi đọc và nâng niu từ quyển này cho tới quyển nọ, sách to, đẹp, nhiều hình và cũng rất nhiều chữ. Nhưng bộ sách đó lại chẳng làm tròn ý nghĩa “giảm tải” như nó được khoác lên, sự thật như thế nào thì chắc những người bạn sinh năm chín mươi mốt của tôi phải hiểu rất rõ. Tôi bắt đầu lao đầu vào học hùng hục, trong đầu chỉ còn một chữ “HỌC”, có cảm tưởng rằng mình sinh ra chỉ để học. Mục tiêu và ước mơ lớn nhất của tôi lúc đấy là học thật giỏi, đỗ vào trường cấp 3, chỉ đơn giản vậy thôi.
Học hết cấp 2, tôi thi đỗ vào trường mà bản thân hi vọng, vậy cũng được xem là thành công nhỉ? Lúc đó, Người Lớn quyết định chia lớp ra thành các ban Tự nhiên, ban Xã hội. Tôi lại háo hức lao vào một mục tiêu mới: Đỗ đại học. Vậy là tôi cùng những người bạn của mình lại học ngày học đêm, học từ lò này tới lò nọ, nhiều đến nỗi nhiều người bạn mà tôi chơi tới tận bây giờ là những người bạn quen ở lò học ôn.
Hồi đấy khi nhắc tới hai chữ Đại học, ước mơ được làm hoạ sĩ từ thuở bé của tôi lại hiện về. Tôi nói với mẹ: con muốn thi trường Mĩ thuật. Nhưng mẹ tôi đã khuyên tôi dừng lại. Tôi biết mẹ tôi đúng, đến bây giờ tôi càng phải công nhận là mẹ đúng. Cái ước mơ đó sẽ chẳng giúp gì được cho tôi, ngoài việc thoả mãn bản thân mình. Rồi thì sao, tôi sẽ sống như thế nào với ước mơ đó, khi mà hiện tại mọi thứ đều khó khăn? Tôi thi vào một trường Đại học khác, một sự lựa chọn an toàn. Kết quả, tôi đỗ.
Vậy là các bạn biết mục tiêu tiếp theo của tôi là gì rồi: tốt nghiệp Đại học. Nhưng đến năm 2 Đại học, tôi bỗng nhận ra một nỗi sợ của bản thân: Tốt nghiệp xong thì làm gì? Mục tiêu tiếp theo của cuộc đời mình là gì? Tôi thử tất cả công việc khác nhau, nhưng càng thử càng hoang mang. Vì tôi chẳng thật sự thích một công việc gì, tôi nhận ra mình là một đứa không có lý tưởng, không có đam mê. Tôi nghĩ: thôi xong, mình thành một đứa vứt đi rồi. Từ đó tôi đâm ra tuyệt vọng, tôi luôn nghĩ thầm: Tại sao? Tại sao lại là mình? Tại sao mình lại trở thành một người như thế này?
Ảnh minh họa |
Càng gần tới ngày tốt nghiệp, nỗi sợ của tôi lại càng lớn dần lên. Và bùm, nó nổ như một quả bom hẹn giờ. Tôi lạc lối. Tôi nhận ra mỗi thứ mình đều biết một chút, nhưng không thực sự giỏi một lĩnh vực nào, và cũng chẳng có gì làm tôi thích thú đam mê tới độ muốn cố gắng cống hiến hết sức lực của mình cho nó. Bởi tôi đã sống trọn hơn 15 năm chỉ có một mục tiêu trong đầu là phải học và đỗ đạt thành-tài, ngoài ra tôi chẳng có gì.
Có hai thứ cần trong xã hội: tiền và đam mê. Trong số những người bạn của tôi nhiều người đã đi làm ở các cơ quan, nhà nước có – tư nhân có. Họ có tiền. Nhưng nhiều người trong số họ thú thực với tôi rằng họ làm việc như một cỗ máy, với những khung giờ làm việc cố định và những công việc cố định. Tôi không muốn bản thân mình giống như họ, làm công việc mình chẳng mặn mà gì lắm nhưng có thật nhiều tiền. Là bạn thì bạn có đánh đổi không? Tôi thì không, chắc bởi tôi sống thiên về mặt cảm tính chứ chẳng phải lí trí. Tôi muốn tự do làm công việc mà mình thật sự đam mê.
Vậy là lại quay trở lại câu hỏi: Mình thực sự đam mê cái gì? Ý nghĩa tồn tại của mình là gì? Quả là những câu hỏi hóc búa không thể tưởng tượng nổi. Từng ngày dài trôi qua, tôi vẫn đang lang thang tìm kiếm và làm thật nhiều công việc, mục đích của tôi là để tìm ra thứ thực sự phù hợp với mình và bản thân thực sự mê say nó. Nhưng sao mọi thứ lại khó khăn thế, tôi còn phải tìm cho tới bao giờ nhỉ?
Hôm nay tôi ngồi cafe với Giang, cô bạn của tôi bảo rằng bố mẹ đang muốn cô về quê hương lập nghiệp. Là một công việc văn phòng. Giang thích nhiếp ảnh, cô chụp ảnh rất đẹp. Nhưng cô bạn tôi hiểu rõ rằng để sống một cuộc sống sung túc bằng cái đam mê đó thì quả là điều không tưởng, nhưng cô cũng nhất quyết không chịu nghe lời bố mẹ. Cô ấy cũng lạc lối giống như tôi.
Tôi biết có nhiều, rất nhiều người bạn của tôi cũng đang hàng ngày tìm kiếm cái neo cho riêng họ, tôi biết những câu hỏi tôi đặt ra trên đây cũng là những câu hỏi mà họ ít nhất đã một lần tự vấn bản thân. Đã có lúc tôi tưởng mình cô độc, nhưng thực ra tôi cũng giống như những người bạn đang “lang thang” khác – chúng ta đều không cô độc.
Điều cuối cùng, tôi muốn nói với mẹ tôi, cũng muốn thay lời những người bạn của mình nói với bố mẹ của họ – những người luôn yêu thương và lo lắng cho tương lai của những đứa con mất phương hướng hay “lông bông” hay “chẳng đâu vào đâu”: Con xin lỗi mẹ. Xin hãy cho con thêm thời gian, con vẫn đang cố gắng từng ngày mẹ ơi.
Tôi sinh năm một chín chín mốt.
Theo Vietnamnet