Tinh Hoa

Mướp đắng giúp giải độc, bổ gan cực tốt

Có một loại quả giúp giải độc gan và thanh nhiệt cực tốt thường bị chúng ta bỏ quên, đó là “mướp đắng”.

Tác dụng tuyệt diệu

 

Công dụng của mướp đắng đến từ những hoạt chất sinh học đáng quý. Nó còn đến từ tính vị và công năng của thứ quả miền cận nhiệt đới này. Người ta vẫn gọi mướp đắng là thứ quả của thanh nhiệt, giải độc. Vì mướp đắng có vị đắng, tính hàn, theo các sách y học cổ truyền, có tác dụng trừ nắng, chỉ khát, thanh tâm, thanh gan, sáng mắt, hạ hỏa, dưỡng gan huyết, thanh nhiệt giải độc, trừ trúng nắng. Các công dụng của mướp đắng thấy được nổi bật như dưới đây

Thanh nhiệt:

 

Ngày hè nóng bức, thân nhiệt tăng cao, các thực phẩm hàn như mướp đắng có giá trị thổi hơi mát từ sâu bên trong. Mướp đắng còn có thể làm mát là vì mướp đắng có rất nhiều nước. Lượng nước trong mướp đắng khoảng 90%. Lượng nước đó sẽ giúp bạn thải nhiệt nhanh cho bớt nóng bức. Mướp đắng lại không có nhiều kcal, ăn vào bạn sẽ không bị sinh nhiệt thêm.

Giải độc:

 

Mướp đắng có công dụng giải độc rất tốt, nhất là những thể độc do nóng bức từ trong nóng ra. Các dạng nhiễm độc do gan không đủ khả năng chuyển hóa. Sở dĩ mướp đắng có tác dụng này là vì: mướp đắng có rất nhiều nước, nước có công dụng chuyển chất độc tới thận để thải ra ngoài. Mướp đắng lại có tính hàn, bớt sinh nhiệt, giảm nhiễm độc do nóng trong. Mướp đắng còn có tác dụng mạnh gan, nên tăng khả năng thanh thải cho cơ thể. Mướp đắng còn có kháng sinh tự nhiên, nên có khả năng tiêu diệt các mầm bệnh gây độc.

Bổ gan:

 

Mướp đắng giàu chất xơ có tác dụng kích thích vận động đường mật nên tốt cho tiết mật. Mướp đắng còn có tác dụng làm giảm nồng độ các men gan viêm như: AST, ALT (sự gia tăng các men này là một dấu hiệu chỉ thị cho tế bào gan đang bị viêm nặng). Mướp đắng còn được thực nghiệm chứng minh làm giảm nồng độ bilirubin trong máu (tăng bilirubin là một chỉ thị chứng tỏ gan chuyển hóa kém, đường mật đang bị tắc). Vì thế, mướp đắng rất an toàn cho gan của bạn.

Trừ nắng:

Mướp đắng có tác dụng trừ nắng nhanh, chữa trúng nắng tốt là vì: mướp đắng hàn giúp hạ hỏa, mướp đắng lại cung cấp nhiều nước giúp giảm nhiệt độ và chống khát, mướp đắng được cho là có tác dụng an dịu chống kích thích do trúng nắng gây ra, mướp đắng lại giúp tăng chuyển hóa đường trong tế bào giúp cơ thể hồi phục. Vì thế, mướp đắng rất ích lợi trong trường hợp cần trừ nắng.

Kích thích ăn:

Mướp đắng có tác dụng ít biết đó là kích thích thèm ăn. Đó là vì trong mướp đắng có chứa quinine. Chất này có tác dụng kích thích sự thèm ăn. Nếu như trong một bữa ăn, bạn chỉ cần thêm một món nhỏ làm món khai vị từ mướp đắng, bữa cơm sẽ diễn ra rất ngon.

 

Mướp đắng có chứa chất xơ hữu ích, chất này có tác dụng làm trung hòa chất béo, giảm hòa tan chất béo trong lòng ruột nên làm giảm hấp thu cholesterol vào trong máu. Mặt khác, chất xơ trong mướp đắng kích thích nhu động ruột vận động mạnh. Vì thế, tốc độ hấp thu chất béo giảm xuống. Mướp đắng còn chứa chất pectin, một chất có khả năng keo làm kết dính các phân tử cholesterol, vì thế càng khó hấp thu. Mướp đắng được cho là hữu ích với người béo.

Chống đái tháo đường:

Mướp đắng được chứng minh là có tác dụng làm hạ đường máu tương tự như insulin. Mặc dù tác dụng này không mạnh bằng thuốc điều trị nhưng mướp đắng có khả năng hỗ trợ điều hòa đường huyết trong chiến dịch giảm dần liều thuốc uống.

Lý do mướp đắng có thể điều hòa đường huyết là vì mướp đắng làm giảm tính kháng insulin, vốn là vấn đề căng thẳng của người bệnh đái tháo đường týp II. Mướp đắng còn làm giảm tốc độ hấp thu đường trong ruột, vốn là điều cần thiết giúp làm giảm nồng độ đường máu tăng nhanh sau ăn. Trong mướp đắng người ta thấy có 3 chất đáng quý: charantin, vicine và polypeptid P. Ba chất này có cấu trúc tương tự insulin và có công dụng tương tự insulin, đều làm hạ đường máu.

Chống u:

 

Trong mướp đắng có một số chất lipoprotein đặc biệt. Các chất này có khả năng kích thích sinh miễn dịch, tăng cường khả năng tìm và diệt tế bào lạ, tế bào ác tính, tế bào khối u. Trong mướp đắng lại giàu vitamin C, loại vitamin này có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên, tăng cường khả năng khử bỏ các gốc oxy hóa có hại. Vì thế, mướp đắng rất hữu ích.

Sáng mắt:

 

Mướp đắng được cho là loại quả làm sáng mắt. Vì mướp đắng giúp thanh gan, hạ hỏa, dưỡng gan huyết. Những yếu tố này giúp làm sáng mắt. Mướp đắng lại có nhiều beta caroten, chất này là tiền chất vitamin A giúp mắt sáng và tinh. Mướp đắng được y học cổ truyền cho là có thể dùng để chữa bệnh viêm kết mạc mãn tính, đau mắt đỏ do gan.

Góc ứng dụng

Nói về mướp đắng có vô số các tác dụng hữu ích. Tựu trung có 3 tác dụng dễ ứng dụng nhất: thanh nhiệt, hạ đường máu và thanh tịnh tinh thần. Ngày hè này, bạn hãy thử ứng dụng ngay chế biến một vài món ăn thanh nhiệt giải độc trừ nắng cho gia đình.

Canh mướp đắng chả tôm:

Nguyên liệu: Bạn cần có mướp đắng 1000gam, tôm tươi loại to 400g, hành hoa 50g, nhớ lấy cả củ, rau mùi, nước mắm, muối, mì chính mỗi thứ một ít. Nước sạch 2,5 lít. Thực đơn này cho 4 người ăn.

Cách làm: mướp đắng bạn phải chọn quả to, xanh vỏ, đừng có màu vàng hoặc đỏ, tốt nhất là chọn quả có gai mọng to. Rửa sạch, chẻ đôi, bỏ hạt bên trong, cắt khúc dài chừng 1,5 đốt ngón tay. Cho 0,5 lít nước sạch vào nồi, đun sôi, cho mướp đắng vào chần qua, vớt lên, đổ ra rổ mắt thưa cho ráo nước.

Bạn nhớ chọn hành hoa có cuống lá to vừa phải, to quá ăn xác mà nhỏ quá không thơm. Bóc bỏ lá héo, vỏ bẩn ở củ. Tách củ riêng, lá riêng. Lá hành hoa thì cắt khúc dài chừng 1 đốt ngón tay. Củ thì băm nhỏ, cho vào bát nhỏ.

 

Công đoạn tiếp theo chế biến tôm. Tôm cần bóc vỏ, giã nhỏ. Muốn làm dễ thì hãy chần qua tôm với nước nóng bằng cách rót nước sôi trực tiếp vào bát đựng tôm. Tôm ửng đỏ ở vỏ là bóc rất dễ. Sau khi giã nhỏ xong thì trộn đều tôm với củ hành hoa đã băm nhỏ, một chút muối và một chút nước mắm. Phần thịt tôm này được gọi là chả tôm.

Tiếp đến làm canh. Bạn hãy đắp chả tôm vào lòng của miếng mướp đắng. Đắp thật khéo sao cho chả tôm vừa khít, không phồng lên, không lõm xuống, không rơi ra ngoài. Ướp 10 phút.

Trong thời gian đợi, bạn sơ chế mùi. Cho 2 lít nước sạch còn lại, đun sôi, vặn nhỏ lửa cho sôi lăn tăn. Thả nhẹ nhàng từng khúc mướp đắng vào. Chú ý thả nhẹ, đun nhỏ lửa nếu không chả tôm sẽ bong ra khỏi mướp đắng, trông rất xấu. Đun sôi lăn tăn chừng 5 phút thì bắc ra. Cho thêm mì chính, hành hoa lá đã cắt khúc, nên mắm muối vừa ăn. Cho ra bát, rắc rau mùi để dài (không thái) lên trên. Món canh đã xong, dùng ăn lúc còn ấm.

Công dụng: món canh giàu dinh dưỡng, nhưng lại rất thanh tịnh, không nóng. Sau khi làm xong, yêu cầu mướp đắng còn xanh, có vị ngọt riêng, chả tôm bám lấy mướp đắng, thịt tôm ăn ngọt vừa. Nước canh trong, vị hơi đắng mát, ngon ngọt tự nhiên của tôm. Thích hợp ăn vào buổi trưa hoặc chiều, phù hợp cho người đái tháo đường, người bị mệt do nắng nóng.

Theo Sonha