Tinh Hoa

Nghiên cứu về ‘ngoại khí’ trong nghi thức ‘nhập hồn’ của các chuyên gia hàng đầu thế giới

Ngoại khí (hay còn gọi là Ectoplasm) không phải là phát minh của bộ phim kinh điển “Biệt đội săn ma” (Ghostbusters) mà nó là loại khí được phát xuất ra khỏi cơ thể trong những nghi thức nhập hồn.

Trái: Charles Robert Richet, 1905. (Wikimedia Commons);Phải: Sự phát phóng và tái hấp thụ ngoại khí của một người trung gian tâm linh theo quan sát của nhà tâm lý học và bác sĩ người Đức Albert Freiherr von Schrenck-Notzing năm 1913. Phông nền: Ảnh minh họa khái niệm ngoại khí. (Thinkstock)

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số nhà khoa học danh tiếng đã nghiêm túc thực hiện nghiên cứu về các chất bài xuất ra từ người trung gian tâm linh trong các buổi gọi hồn. Nó được cho là biểu hiện vật chất hóa của linh hồn hay đơn giản là một loại vật chất có sẵn trong thân thể người được kích phát khi thực hiện nhập hồn.

Dẫn đầu nghiên cứu này vào năm 1890 là Charles Robert Richet. Richet đã đoạt giải Nobel sinh lý học/ dược học vào năm 1913 cho nghiên cứu của ông về chứng phản vệ, một loại phản ứng mẫn cảm nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.

Robert Brain, giáo sư sử học tại Đại học British Columbia ở Canada đã đề cập đến các nghiên cứu và kết quả đạt được của Richet trong một bài viết học thuật với tựa đề “Vật chất hóa người trung gian tâm linh: Ngoại khí và hành trình tìm kiếm sinh học siêu thường”. Giáo sư Brain cho biết, Richet “muốn tách ra khỏi những khuôn mẫu và những nhiếp ảnh gia chuyên chụp về ma trước đây bằng cách đưa ra những khái niệm mới mang tính khoa học về những hiện tượng tâm linh huyền bí được ghi nhận ngày càng nhiều vào thời gian trước đó”.

Richet dùng thuật ngữ “ngoại khí” (ectoplasm) để chỉ một loại vật chất sền sệt dường như có thể được phát xuất ra từ những người trung gian tâm linh. Ông xem nó là loại chất mà tất cả mọi người đều có bên trong cơ thể và được tiết ra khi cuồng loạn vì ông nhìn nhận những người trung gian tâm linh là những đối tượng cuồng loạn. Richet miêu tả hiện tượng ngoại khí như sau: “Ban đầu luôn có làn khói trắng và những lớp khí màu trắng sữa cùng khuôn mặt, ngón tay, và các hình ảnh được hình thành từng chút một trong hỗn hợp hồ sền sệt giống như vải muxơlin ẩm ướt và dinh dính”.

Sự phát phóng và tái hấp thụ ngoại khí của một người trung gian tâm linh dưới sự quan sát của nhà tâm lý học và bác sĩ người Đức Albert Freiherr von Schrenck-Notzing năm 1913.


Thứ được cho là ngoại khí trên người một phụ nữ (thân để trần, ở vị trí dưới ngực). Ngoại khí đôi khi phát ra từ ngực. Hình ảnh trong cuốn sách “Les Phénomènes de matérialisation, étude expérimentale”- 1914 của J.Bisson.


Người ta cho rằng, ngoại khí thường xuất ra từ miệng và một số bộ phận khác trên cơ thể nhưng cũng có thể xuất ra từ đỉnh đầu, các đầu ngón tay, ngón chân. Nó được miêu tả là không đơn thuần tồn tại như vật chất không có sinh khí mà chuyển động, đôi khi là rất nhanh, trên bề mặt thân thể và tự tổ hợp thành các hình dạng khác nhau.
 

Albert Freiherr von Schrenck-Notzing, bác sĩ kiêm nhà tâm lý học tại Đại học Munich, đã miêu tả về ngoại khí như sau: “Nó thường xuất hiện dưới dạng ánh sáng trắng mờ đục với kích thước từ một hạt đậu đến một đồng 5 franc”.

Nhà nghiên cứu phôi học người Đức Hans Driesch đã so sánh hiện tượng “vật chất hóa” trong các buổi gọi hồn với quá trình phát triển của phôi thai. Ông đặt tên cho khả năng tạo hình của ngoại khí là “sự tự nhận thức” (entelechy). Ông viết như sau: “Một thân thể vật chất nhỏ, ví dụ như quả trứng hay một thân thể vật chất khổng lồ và phức tạp, một con voi chẳng hạn đều có thể được sinh ra theo cách này: tại đây bạn có một nguồn vật chất hóa thường trực trước mắt, tất cả chúng đều được hình thành thông qua sự đồng hóa của quá trình tự nhận thức”.

Ông cũng so sánh hiện tượng vật chất hóa với quá trình não bộ hồi phục khỏi tổn thương. Driesch không trực tiếp tiến hành thí nghiệm về loại vật chất này nhưng lại bàn luận nhiều hơn trên quan điểm của triết lý sinh học. Năm 1926, ông trở thành Chủ tịch của Cộng đồng Nghiên cứu Tâm lý.

Nhà thần kinh học Jules Bernard Luys đã tiến hành các thử nghiệm cho thấy “cơ thể của những người cuồng loạn trải qua một sự hấp thụ năng lượng không đều đặn, từ đó sinh ra ‘lực thần kinh bức xạ’ dưới dạng một luồng sáng thoát ra từ các lỗ trên cơ thể, đặc biệt là từ miệng và mũi”- Brain giải thích. Ông sử dụng các kính ảnh gắn tại các vùng khác nhau trên cơ thể để chứng minh rằng cảm xúc và ý tưởng sẽ gây ra các phản ứng bài tiết của cơ thể và tạo ra các dấu vết tương ứng trên kính.

Các nhà khoa học khác đã từng nghiên cứu về ngoại khí  đầu những năm 1920 gồm có Théodore Flournoy, giáo sư tâm lý học Đại học Geneva; Cesare Lombroso, nhà tội phạm học và bác sĩ người Ý và Oliver Lodge, nhà vật lý học người Anh.

Giáo sư Brain giải thích trong bài viết của ông rằng, vào giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ, với các thiết bị đo lường mới, người ta đã khám phá ra nhiều điều. Những thiết bị đó lần đầu tiên đã phát hiện ra sóng điện từ, tia X, sóng vô tuyến… Việc có thể đo lường được các vật chất chưa được biết đến lúc đó, đã khơi gợi nhiều hứng thú – nên các buổi gọi hồn là đối tượng quá phù hợp với hàng tá máy móc trong các căn phòng mờ ảo.

Brain nói: “Sự kết hợp giữa thiết bị khoa học và yếu tố tâm linh với nhiều những phát hiện mới đầy sửng sốt trong ngành vật lý học đã mở ra một thế giới rộng lớn chưa từng được khám phá về các lực lượng vô hình”.

Ngoại khí ngày nay

Gọi hồn và các nhà trung gian tâm linh giờ đây đã không còn phổ biến, sự quan tâm đối với ngoại khí giảm đi sau khi một số người trung gian tâm linh bị lật tẩy vì cố tình giả mạo hiện tượng ngoại khí. Tuy nhiên, ngày nay một số người trung gian vẫn tuyên bố rằng họ có thể phát ngoại khí.

Các bức ảnh được chụp khá là thiếu chuyên nghiệp về ngoại khí giả dưới dạng các con ma. (Victor Gollancz Ltd, 1933 từ Wikimedia Commons)

Mặc dù vào cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, một số nhà khoa học nghiên cứu ngoại khí bằng phương pháp quan sát tại chỗ và chụp hình chúng, nhưng dường như vẫn chưa tạo ra được các mẫu nghiệm xác thực có thể được kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm. Vật chất này được cho là khá nhạy cảm với tác nhân kích thích, dễ bị nhiễu loạn. Người ta cho rằng nó sẽ không còn vào cuối buổi gọi hồn.

Ví dụ như trường hợp nhà báo Montague Keen tham dự một buổi gọi hồn thời hiện đại. Trước đó ông được yêu cầu không thực hiện bất cứ cử động nào về phía ngoại khí; những người thực hiện buổi gọi hồn đã giải thích cho ông về “những nguy hiểm khi tiếp xúc với thứ mà người trung gian tâm linh phát ra nếu chạm vào ngoại khí mà chưa được phép”.

Keen viết về trải nghiệm của mình trong một bài viết trên trang SurvivalAfterDeath.org (tạm dịch là Sự tồn tại sau cái chết). Ông đã được mời đến để kiểm tra căn phòng và kiểm tra những nút buộc giữ chặt tay chân người trung gian trước khi thực hiện gọi hồn để chắc chắn là không có ngoại khí giả.

Người trung gian tâm linh David Thompson đã xuất hiện trạng thái phát ra ngoại khí và cơ thể ông được một linh hồn sử dụng để nói chuyện. Linh hồn nói rằng nó đã vật chất hóa một phần trong ngoại khí và cũng dùng để bao phủ lên thanh quản của Thompson, kiểm soát giọng nói của anh ta.

Sau buổi gọi hồn, Keen được cho biết ngoại khí đã biến mất và “nó rất nguy hiểm khi ngoại khí ra khỏi người trung gian”. Linh hồn thông qua Thompson công khai nói rằng: “Tất nhiên, sẽ luôn luôn có những người mà anh sẽ không thể chứng minh cho họ hiểu dù anh có làm thế nào đi chăng nữa. Trong lĩnh vực của anh, anh sẽ luôn gặp những người tin hoặc muốn tin, và cả những người không tin. Đây là thực tế trong cuộc sống”.

Theo Đại Kỷ Nguyên