Vào ngày 30/7, theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM) cho hay, do sự xuất hiện chủng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở các khu vực biên giới Đông Nam Á nên cuộc chiến toàn cầu chống lại căn bệnh sốt rét đang trở nên vô cùng khó khăn.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh) do Giáo sư về y học nhiệt đới Nicholas White đứng đầu, đã tiến hành phân tích mẫu máu của 1.241 bệnh nhân, cả người trưởng thành và trẻ em, mắc sốt rét ở 10 nước khắp châu Á và châu Phi trong giai đoạn từ tháng 5/2011 đến tháng 4/2013. Người bệnh nhận được điều trị chống sốt rét trong vòng 6 ngày, bao gồm 3 ngày điều trị bằng thuốc artemisinin và 3 ngày điều trị artemisinin kết hợp với các loại thuốc khác (ACT). Tỷ lệ ký sinh gây sốt rét trong máu bị tiêu diệt sẽ được xác định sau đó.
Kết quả cho thấy, thuốc artemisinin không còn hiệu quả đối với mầm bệnh Plasmodium falciparum – dạng nguy hiểm nhất của sốt rét do ký sinh gây ra, đã xuất hiện ở miền Bắc và miền Tây Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Đông Myanmar. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu xuất hiện ký sinh kháng thuốc ở miền Trung Myanmar, miền Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Ảnh: express.co.uk
Theo ông Jeremy Farrar, giám đốc Tổ chức từ thiện toàn cầu Wellcome Trust, nếu muỗi kháng thuốc lan ra ngoài khu vực châu Á và vào châu Phi, thì những tiến triển lớn đạt được trong giảm tử vong do sốt rét sẽ bị đảo ngược hoàn toàn. Ông Farrar nhấn mạnh đây không phải là mối đe dọa với tương lai mà chính là sự đe dọa của ngày hôm nay. Về phần mình, Giáo sư Nicholas White cảnh báo rằng các phương pháp kiểm soát sốt rét như hiện nay là không đủ, cần phải hành động quyết liệt hơn nữa và đưa nguy cơ này trở thành ưu tiên của y tế công cộng toàn cầu.
Hồi năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố có sự xuất hiện của ký sinh kháng artemisinin ở 4 nước Đông Nam Á, và 64 quốc gia phát hiện bằng chứng về loài ký sinh kháng thuốc trừ sâu. Nhiều hơn một nửa dân số thế giới đang đứng trước nguy cơ nhiễm sốt rét, căn bệnh lây từ muỗi làm 600.000 người thiệt mạng mỗi năm. Hầu hết nạn nhân của sốt rét là trẻ em dưới 5 tuổi sống ở những khu vực nghèo nhất ở Nam sa mạc Sahara châu Phi.
Từ cuối những năm 1950-1970, ký sinh sốt rét kháng thuốc chloroquine đã lây lan khắp châu Á và châu Phi, dẫn tới sự xuất hiện lại các ca bệnh sốt rét cùng hàng triệu người tử vong. Chloroquine ngay sau đó được thay thế bởi sulphadoxine-pyrimethamine (SP), tuy nhiên chủng ký sinh kháng SP lại xuất hiện ở Tây Campuchia và một lần nữa lan sang châu Phi. Gần đây nhất, thuốc trị sốt rét hữu hiệu nhất – artemisinin và liệu pháp artemisinin kết hợp với các loại thuốc khác để ngăn ngừa nguy cơ kháng thuốc (ACT) đã ra đời. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng với tình hình hiện nay, rất có thể chủng ký sinh kháng ACT lại xuất hiện và đe dọa những nỗ lực quốc tế chống lại căn bệnh sốt rét chết người này.
Theo TTXVN/Vietnam+