Mới đây, các nhà khoa học lần đầu tiên chứng minh được, con người chỉ sử dụng chưa đến 10% số ADN trong cơ thể.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) phát hiện ra chỉ có 8,2% số ADN trong cơ thể người là “thực sự làm điều gì đó quan trọng”, hơn 90% còn lại không làm gì hữu ích. Phần chiếm số nhiều nhưng được đánh giá là vô dụng kia chính là vật liệu tồn đọng trong quá trình tiến hóa, tức các phần của bộ gen di truyền thường mất đi hoặc thêm vào trong mã ADN, còn gọi là ADN rác.
Để đưa ra những con số cụ thể như trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh hệ gen của con người với cấu trúc gen của các động vật có vú khác như chó, chuột, tê giác và ngựa. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhận thấy không phải toàn bộ chuỗi gen trong số 8,2% đều đóng vai trò quan trọng, mà chỉ có hơn 1% chứa các protein chịu trách nhiệm hầu như mọi quá trình sinh học chủ chốt nhất của cơ thể, đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển một cách khỏe mạnh. 7% còn lại được cho là không kém phần quan trọng vì chúng tham gia vào quá trình điều chỉnh sự hoạt động của các gen mã hóa những protein ở những thời điểm khác nhau, dựa trên nhiều yếu tố và phụ thuộc vào vị trí của chúng trong cơ thể.
Phát hiện mới này như dội gáo nước lạnh vào giới khoa học, vốn từ lâu vẫn quan niệm rằng có khoảng 80% ADN trong chuỗi di truyền đảm nhiệm những chức năng sinh hóa nào đó mà con người chưa biết. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí PLOS Genetics.
Theo Tinhte, Theguardian