Sau khi càn quét Philippines, bão Thần Sấm tiếp tục đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh nước ta. Vào 4 giờ sáng nay, gió to và mưa lớn bắt đầu đổ xuống các khu vực Móng Cái, đảo Bạch Long Vĩ, Cửa Ông với sức gió mạnh giật từ cấp 7-9.
Vào khoảng 9 giờ sáng
Gió mạnh kèm mưa lớn tiếp tục được ghi nhận tại thành phố Móng Cái. (Ảnh: Quý Đoàn)
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, đang ở khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, gió đang rít từng hồi mỗi lúc càng mạnh. Theo nhận định, bão đi đã đổ bộ vào khu vực Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc), tâm bão cách thành phố Móng Cái khoảng từ 40-50km. “Khoảng 6h sáng nay, bão đã đi vào địa phận ngay sát phía bắc của thành phố Móng Cái. Từ 7h đến lúc này, gió liên tiếp ở cường độ cấp 9, 10, giật cấp 11, 12”, ông Hải nói.
Tại Trà Cổ cường độ gió còn mạnh hơn ở cấp 11, giật cấp 12.
“Rất may toàn bộ ngư dân ở vùng ven biển làm nhà tạm, nhà cấp 4 đã được di dời vào khu biên phòng và nhà dân trú tránh an toàn”, ông Hải cho biết.
Vào lúc 08:30 sáng: Theo ông Lý Bắc, chủ cửa hàng ăn sáng tại Cái Rồng (Vân Đồn), hầu hết du khách đã rời thị trấn cách đây 2 hôm khi biết tin có bão. Tuy nhiên, vẫn còn có một số người ở lại. Họ hoặc bị lỡ tàu xe hoặc tò mò muốn xem bão vào ra sao nên cố nán lại. Với những khách như vậy, ông vẫn tiếp tục phục vụ và khẳng định sẽ không tăng giá bán hàng.
Theo ông Bùi Văn Cẩn, chủ tịch huyện Vân Đồn, ngoài các đảo trên địa bàn của huyện, hiện có 7 du khách nước ngoài xin lưu trú lại để xem bão. 5 người trong đó có quốc tịch Hà Lan, một người Canada và một người Australia. Huyện đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện để nhóm du khách trên được an toàn.
Xuồng tuần tra của lực lượng cảnh sát được đưa lên bờ ở cảng Cái Rồng. (Ảnh: Thanh Tùng)
Thị trấn Cái Rồng vắng vẻ do ảnh hưởng của cơn bão Rammasun. (Ảnh: Thanh Tùng)
Vào khoảng 8 giờ sáng: Huyện Vân Đồn mưa ngày càng to, gió càng lớn. Ông Nguyễn Văn Công – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, 500 hộ dân đã được di chuyển vào những nơi kiên cố, một số điểm có khả năng lún đã được chằng, chèn bằng bao cát, đá. Tàu nghiệp vụ của các cơ công an, biên phòng đã sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Các loại tàu được phân loại lớn nhỏ để neo chằng, tránh va đập, gây thiệt hại.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, khi vào đất liền, cường độ bão số 2 giảm nhanh, mưa lớn có thể gây lũ quét là điều đáng lo ngại hơn cả.
Vào khoảng 7 giờ sáng Nhân viên một khách sạn ở Móng Cái, chằng chống cửa một lần nữa, trước khi cơn bão hoành hành mạnh hơn. Dường như đã quen với việc đón bão, những người dân ở đây tỏ ra khá bình thản.Tâm bão đã đi sâu vào biên giới Việt Trung, mưa tăng lên nhưng chưa nghiêm trọng.
Vào khoảng 6:30 sáng Tại TP Móng Cái, gió đã bắt đầu to hơn kèm theo mưa nặng hạt. Đường phố tương đối vắng vẻ. Phương tiện chính xuất hiện trên các con phố là ô tô, lác đác một vài chiếc xe máy phóng nhanh trong mưa.
Ngoài một vài cành cây gãy rơi xuống đường thì chưa ghi nhận thiệt hại tại đây. Nguồn điện sinh hoạt gần như vẫn được đảm bảo.
Hàng trăm tàu thuyền neo đậu tránh bão tại khu vực cảng Cái Rồng (Vân Đồn) sáng sớm nay. (Ảnh: Thanh Tùng)
Vào khoảng 6 giờ sáng Tại Quảng Ninh: đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; đảo Cô Tô có gió giật cấp 8; Móng Cái cấp 7; Cửa Ông cấp 6.
6h sáng, phố Hùng Vương trung tâm Móng Cái đã có mưa to gió lớn. (Ảnh: Quý Đoàn)
Vào khoảng 4:30 giờ sáng mưa nặng hạt hơn ở Móng Cái, gió rít lên từng hồi.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, sáng 19/7, tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung với cường độ mạnh cấp 10-11, sau đó bão đi sâu vào đất liền với vận tốc 20 km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới dọc vùng núi phía Bắc.
Dự báo đường đi bão Rammasun của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương sáng 19/7.
Đêm 18/7, Rammasun chỉ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 240km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất từ 150 đến 183km một giờ (cấp 14, cấp 15). Sau đó, bão di chuyển khoảng 20km mỗi giờ chủ yếu theo hướng tây bắc.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sau khi thị sát tại khu vực cảng cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã di chuyển lên huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) để trực tiếp chỉ đạo việc ứng phó với bão.
Trong khi đó, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có mặt ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu địa phương phải di dời 1.963 hộ dân kể cả trong đêm.
Dự báo từ 6 đến 8h sáng 19/7 bão sẽ đi vào đất liền và lượng mưa ở Móng Cái sẽ rất lớn với khoảng 300-400mm, cần đề phòng sạt lở.
Các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình… cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Rammasun.
Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia cho biết, đến 7h sáng 19/7, bão sẽ ở trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh với cường độ giảm 1, 2 cấp ở sức gió mạnh nhất từ 118 đến 149km một giờ (cấp 12, 13). Tiếp đó, bão Rammasun sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung, rồi đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Theo Vnexpress, Trung tâm khí tượng và thủy văn quốc gia