Lấy cảm hứng từ “trái cấm” đã cám dỗ Adam và Eve ở Vườn địa đàng, một nhà nghiên cứu Mỹ muốn tạo ra phiên bản trái táo huyền thoại của riêng ông, sử dụng bách khoa toàn thư trực tuyến mở Wikipedia. Joe Davis, 63 tuổi, họa sĩ sinh vật học đến từ phòng thí nghiệm di truyền George Church thuộc Trường Y, Đại học Harvard (Mỹ) đã nghĩ ra một công thức toán để tăng thêm các lớp dữ liệu cho ADN. Ông hiện lên kế hoạch cho thêm một phiên bản mã hóa của bách khoa toàn thư trực tuyến vào ADN của một giống táo 4.000 năm tuổi, để có được thứ quả giống “trái cấm” trong truyền thuyết kinh thánh nhất.
Ông Davis đặt tên cho quả táo đang tái tạo là Malus ecclesia. Trong tiếng Latin, Malus có nghĩa là “cây táo ma quỷ”, trong khi ecclesia ám chỉ nhà thờ, vừa mang ý nghĩa tôn giáo, vừa đại diện cho tên phòng thí nghiệm của ông. Hợp tác với các nhà khoa học và toán học Dana Boyle và Madeline Prye-Ball, ông Davis đã dành nhiều năm nghiên cứu để tìm một loại táo đủ độ tuổi cho dự án. Đến cuối năm ngoái, ông đã được gửi tặng rễ và các lá của một giống táo 4.000 năm tuổi. Tại hội thảo 30c3 ở Đức vào tháng 12/2013, ông Davis từng tuyên bố: “Tôi không thể ngừng nghĩ về toán học và ADN. Tôi đã tìm ra một cách không chỉ đưa một lớp, mà rất nhiều lớp thông tin vào một gene, giống như các con búp bê Babushka. Mỗi phân tử ADN sẽ chứa đựng 3 trang thông tin. Điều này là vì, ADN có thể được mô tả bằng 3 chữ số độc nhất vô nhị”. Ông Davis cũng tiết lộ mong muốn “tạo ra thứ quả có khả năng cám dỗ cả ma quỷ”. Do kích cỡ khổng lồ của Wikipedia, ông Davis và các cộng sự chỉ chọn mã hóa 50.000 trang đầu tiên của bách khoa toàn thư trực tuyến, vốn chiếm 50% tổng số trang được viếng thăm nhiều nhất khắp website này. Số dữ liệu được sử dụng có dung lượng tương đương 350MB.
Báo New Yorker dẫn lời ông Davis cho hay, bộ gene của quả táo giống như một cuốn sách 750 triệu chữ, chỉ bao gồm 4 chữ cái mã hóa ADN là A, T,C và G (tên viết tắt của 4 loại nucleotide cấu thành ADN). Các từ ngữ được chuyển dịch thành các chữ cái này của ADN nhờ một mã toán học, tương tự như cách bảng mã Morse (dùng truyền tin trong vô tuyến điện báo) và quy tắc tốc ký ép nén từ ngữ thành một dấu hiệu đơn. Một khi đã được mã hóa, những chữ cái này được đặt vào bên trong quả táo nhờ những vi khuẩn đang tiến hóa, để chèn hệ gene của nó qua thành tế bào. Bằng cách đưa thông tin vào các lỗ hổng của ADN, ông Davis tin rằng quá trình này sẽ không làm ảnh hưởng tới hương vị và kết cấu của quả táo. Dự án đầu tiên, sử dụng kỹ thuật tương tự của ông Davis là đưa các tác phẩm của nhà triết học Hy Lạp Heraclitus vào các gene của một con ruồi. Trong dự án mới, quả táo Malus ecclesia còn được gọi là “trái cấm”, vì việc ăn thực vật biến đổi gene ở Mỹ đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp nước này. |
Theo Vietnamnet, Daily Mail |