Chữ 掃 /sǎo/ trong tiếng Trung có nghĩa là quét, là chữ được thay thế mở rộng cho dạng nguyên gốc là 帚.
Với chữ nguyên gốc 帚 có thể truy trở lại từ dạng chữ Giáp Cốt (chữ khắc trên xương hoặc mai rùa, hình thái chữ đầu tiên của tiếng Hán), lối chữ hình vẽ tượng hình đơn giản minh họa cho dụng cụ để quét. Nó giống như một bó lau sậy gắn vào một cái cây bằng những sợi chỉ buộc. Trong Kim văn hoặc Chung Đỉnh văn (loại văn tự được khắc hoặc đúc trên đồ đồng, là sự kế thừa của Giáp Cốt văn), chữ 冖 /mì/ (mịch: trùm, đậy), được thêm vào chính giữa kí tự, ngụ ý chỉ ra việc cột cho bó lau sậy càng chặt hơn.
Trong hệ thống chữ Triện ( là một kiểu chữ cổ củathư pháp Trung Quốc), phần trên cùng đại diện cho chữ 爪 có nghĩa là móng vuốt vào hoặc 抓 có nghĩa là chộp lấy. Trong khi đó phần kí tự bên dưới thấp hơn là một kí tự đảo ngược của chữ 丰 (phong trong từ phong phú) biểu thị cho chữ 篲 (tuệ) có nghĩa là cái chổi. Kết nối các yếu tố này trong kiểu chữ Triện đầy đủ ta có từ minh họa cho ý nghĩa là giữ một cây chổi để quét sàn nhà.
Khi vận dụng linh hoạt kí tự này, chữ 帚 có thể trở thành một danh từ khi thêm bộ trúc (竹) vào phần trên của chữ, ta được chữ 箒 (trửu), như một phép biến hóa, đọc là /zhǒu/ và có nghĩa là cây chổi.
Bằng cách khác, bộ thủ (扌) được thêm vào để hình thành nên chữ 掃, có nghĩa là một tay cầm chổi. Từ này có chức năng như một động từ biểu thị ý nghĩa là quét và được phát âm là /sǎo/, âm Hán Việt đọc là tảo.
Trong ngôn ngữ Trung Quốc hiện đại, chữ 掃 (tảo) luôn được dùng trong các từ ghép với nghĩa là quét bằng một cây chổi, như là từ 掃地 /sǎo dì/ (tảo địa), có nghĩa là quét nhà, 打掃 /dǎ sǎo/ (đả tảo), nghĩa là làm sạch và 掃墓 /sǎo mù/ (tảo mộ), là quét dọn mồ mả.
Thỉnh thoảng từ này cũng được dùng trong cụm từ ghép với nghĩa trừu tượng hơn, như trong cụm từ 威嚴掃地 /wēi yán sǎo dì/ (uy nghiêm tảo địa), nghĩa là mất đi phẩm giá hay uy quyền (phẩm giá của một người đã bị quét sạch).
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.