Tấm bản đồ từ Sở Địa Chất Mỹ Quốc này cho thấy diện tích bao phủ của tro bụi núi lửa sau sự kiện phun trào núi lửa lớn nhất tại Vườn Quốc Gia Yellowstone khoảng 2.1 triệu năm trước đây. Tấm bản đồ chỉ ra “những vụ phun trào này sau đó sẽ để lại các vùng trũng ở núi lửa gọi là “hõm chảo” đồng thời phun ra lượng lớn tro bụi núi lửa bao phủ phần lớn Bắc Mỹ. Nếu xảy ra một vụ phun trào núi lửa tạo ra hõm chảo lớn tại Yellowstone, thì sẽ tạo ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Các lớp tro bụi núi lửa dày đặc sẽ bao trùm một vùng diện tích vô cùng lớn của Hoa Kỳ, và một thể tích lớn tro bụi núi lửa như vậy một khi thải ra ngoài bầu khí quyển, sẽ có thể có tác động mạnh mẽ đến khí hậu toàn cầu. May mắn thay, quần thể núi lửa Yellowstone không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ xảy ra một vụ phun trào như vậy trong tương lai gần. Trên thực tế, xác suất để một vụ phun trào núi lửa như vậy diễn ra ở Yellowstone trong vài nghìn năm tới là cực kỳ thấp.”
Một nhóm blogger đã đăng các video lên mạng, trong video là cảnh bò rừng và các loài động vật khác dường như đang chạy trốn khỏi khu vực Vườn Quốc Gia Yellowstone, từ đó làm dấy lên các giả thiết cho rằng, khi các cơn động đất gia tăng thì những hoạt động địa chấn sẽ làm siêu núi lửa Yellowstone phun trào.
Hai blogger chính đứng sau cuộc thảo luận này nhấn mạnh rằng không dự đoán trước được khi nào siêu núi lửa sẽ phun trào, nhưng họ cũng lưu ý rằng cơn động đất 4,8 độ Richter vào ngày 30/3 dường như đang kích động bầy thú, vốn đang di cư ra ngoài.
“Tôi không biết liệu tôi tin hay không tin câu chuyện này. Nhưng tôi có thể kể cho bạn câu chuyện tôi nhìn thấy sáng nay về những con trâu đang chạy trên phố… có hay không bất cứ liên hệ nào với các hoạt động ở khu vực Yellowstone, tôi không rõ,” Jay Lee nói. Anh là người đăng câu chuyện trên trang web của mình tatoott1009.com,.
“Nhưng tôi nói với bạn điều này, bất kể rằng tình huống là thế nào, thì việc thú vật chạy trốn khỏi vùng Yellowstone là một hình thức cảnh báo.”
“Cũng có thể là trong video này, có thợ săn đang tìm giết, đuổi theo, ngược đãi chúng, nên làm chúng chạy loạn lên như vậy,” ông nói. “Có thể có hàng trăm lý do khiến chúng chạy như vậy. Tôi muốn bạn nghe [đoạn video] và thử tưởng tượng trong đầu xem chuyện gì đang diễn ra ở đây.”
Một loạt các cơn động đất với cường độ nhỏ hơn đã chấn động khu vực này khoảng vài tuần trước đó, và những cơn động đất này có liên quan với cơn động đất có cường độ 5,1 độ Richter (và các cơn dư chấn) đã làm rung chuyển khu vực thành phố Los Angeles.
Tom Lupshu, tự miêu tả bản thân anh là một “chuyên gia đối phó với các trường hợp nguy hiểm nổi tiếng vùng Ohio đồng thời là chuyên gia tìm kiếm cứu hộ,” đã viết trên YouTube rằng có gần một phần tư đàn nai sừng tấm miền bắc ở Vườn Quốc Gia Yellowstone đang dần biến mất, theo kết quả đợt khảo sát số lượng thú vật vào mùa đông hàng năm.
“Các nhà sinh học không chắc chắn rằng nguyên nhân do số lượng bầy đàn sụt giảm đột ngột hay do yếu tố khác làm sai lệch kết quả khảo sát ,” ông nói. “Lượng khí Heli thải ra môi trường gấp 1000 lần mức độ thông thường. Mất hoàn toàn tín hiệu truyền thông. Từng đàn bò rừng chạy trốn trên lòng đường và chúng không bị đuổi bắt hoặc bị vây bắt, chúng chỉ đơn thuần chạy xuống sườn núi phía trên lòng đường và chạy ngang qua một nhóm quay phim. Chúng phát hiện ra cái gì đó rất khủng khiếp và mang dấu hiệu của sự chết chóc. Siêu Núi Lửa Yellowstone là điều duy nhất có thể giải thích cho tình trạng này.”
Lupshu đã nói trong một video sau đó rằng các nhà khoa học nhận định rằng họ không thể dự đoán được khi nào Siêu Núi Lửa sẽ phun trào.
“Nhưng có một điều chắc chắn. Càng nhiều các cơn động đất ở vùng này, thì càng có nhiều khả năng núi lửa sẽ tỉnh giấc từ trạng thái ngủ đông. Lần cuối cùng một cơn động đấttại vùng này đã xảy ra vào năm 1980. Nhưng sức mạnh của tự nhiên lại một lần nữa khởi tác dụng.”
Siêu núi lửa có liên hệ với một bể chứa macma rất lớn nằm bên dưới vườn quốc gia, tại bang Wyoming, Mỹ Quốc.
Siêu Núi Lửa Lớn Hơn Tưởng Tượng Rất Nhiều
Gần đây các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng Siêu Núi Lửa Thực Chất Lớn Hơn Tưởng Tượng Rất Nhiều, khoảng 2,5 lần.
Bob Smith thuộc Đại Học Utah nói: “Chúng tôi đã làm việc ở đó trong một thời gian dài, và chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng nó lớn hơn tưởng tượng…nhưng khám phá này vẫn làm chúng tôi kinh ngạc”.
Các suối nước nóng là bằng chứng chứng minh sự tồn tại của một siêu núi lửa khổng lồ bên dưới Vườn Quốc Gia Yellowstone. (NPS)
(USGS)
(USGS)
Các khám phá đã chỉ ra những thảm họa tiềm tàng thảm khốc nếu núi lửa phun trào.
Lần phun trào núi lửa nguy hiểm gần đây nhất được cho là xảy ra cách đây 640.000 năm và đã thải ra lượng tro bụi bao trùm lên toàn bộ khu vực Bắc Mỹ.
Smith nói rằng các nhà nghiên cứu không chắc chắn khi nào siêu núi lửa này sẽ phun trào trở lại. Hai đợt phun trào đã xảy ra, một đợt 2,1 triệu năm trước đây, và đợt kia 1,3 triệu năm trước, Smith nói. Một giả thuyết cho rằng các đợt phun trào sẽ xảy ra mỗi lần cách nhau 700.000 năm, nhưng Smith nói rằng cần nhiều dữ liệu hơn để củng cố giả thuyết này.
Trung Tâm Quan Sát Vùng Yellowstone thuộc Sở Địa Chất Hoa Kỳ đã nhấn mạnh trong một thông cáo tháng hai vừa rồi rằng các cơn động đất ở trong và xung quanh khu vực Yellowstone là bình thường, bởi vì có khoảng 1.000 đến 3.000 cơn động đất điển hình như vậy xảy ra hàng năm.
Trong đó bao gồm vài cơn động đất với cường độ từ 3 đến 5 độ Richter mỗi năm.
Thông cáo viết: “Mặc dù macma dâng lên và các chuyển động của nước nóng ngầm tạo ra một vài cơn động đất, nhưng rất nhiều cơn động đất còn lại xảy ra do hệ quả của sự kéo giãn khu vực Basin and Range ở miền Tây nước Mỹ. Hoàn cảnh kiến tạo này đã tạo ra nhiều khu vực bị đứt đoạn, vốn trực tiếp chịu trách nhiệm cho các cơn động đất lớn, và có sức tàn phá cao ở khu vực Yellowstone dọc theo đoạn đứt gãy ở hồ Teton và Hebgen. Gần đây nhất, một cơn động đất với sức công phá 7.3 độ Mw (thang độ lớn mômen) vào năm 1959 đã giết chết 28 người và gây thiệt hại khoảng $11 triệu đôla Mỹ (đôla thời năm 1959). Phần lớn thiệt hại do một vụ sạt lở đất lớn vốn là hệ quả của cơn động đất này.”
“Các nhà địa chất đã kết luận rằng các cơn động đất với cường độ mạnh như sự kiện Hồ Hebgen khó có thể xảy ra trong vùng Hõm Chảo Yellowstone, bởi vì nhiệt độ dưới mặt đất cao, làm suy yếu tầng đá nền và khiến nó khó bị đứt gãy. Tuy nhiên, các cơn địa chấn ở bên trong hõm chảo này có thể đạt tới cường độ 6.5 độ Richter. Một cơn địa chấn cỡ này đã xảy ra vào năm 1975 gần Lưu Vực Norris Geyser có ảnh hưởng lan khắp khu vực.
Cơn động đất với cường độ 4.7 độ Richter vào Chủ Nhật xảy ra cách bốn dặm ở phía Đông Bắc-Bắc của Norris Geyser Basin. Trung Tâm Đo Đạc Địa Chấn thuộc Đại Học Utah đã gọi đây là “một cơn động đất nhẹ.” Họ cũng cho biết nó là một phần của một đợt động đất bao gồm ít nhất 25 cơn động đất.
Sở Địa Chất trước đây đã từng nói rằng các nghiên cứu đã cho thấy các cơn động đất thường xảy ra thành các cụm trong vườn quốc gia, được gọi là các đa bội, hay là họ các cơn động đất lặp lại. Khoảng hơn 15.000 trong số hơn 33.000 cơn động đất xảy ra vào khoảng thời gian từ 1984 đến 2010 diễn ra ở cùng địa điểm với các vận động tương tự từ các nguồn địa chấn giống nhau.
Một ví dụ về các đa bội động đất khu vực Yellowstone (họ các cơn động đất lặp lại), có thể xảy ra trong những chu kỳ 10 năm từ các nguồn địa chấn tương tự trên cùng một kết cấu địa chất. (USGS)
Sở địa chất cũng bình luận trên trang mạng của mình rằng “Không hề có bằng chứng nào về khả năng xảy ra một thảm họa phun trào núi lửa ở Vườn Quốc Gia Yellowstone trong thời gian tới. Các hoạt động địa chất tại khu vực này vẫn tương đối ổn định kể từ khi các nhà địa chất học bắt đầu giám sát chúng lần đầu vào khoảng 30 năm trước. Mặc dù có thể xảy ra một vụ phun trào núi lửa hình thành hõm chảo nữa trên lý thuyết, nhưng sẽ khó khả năng xảy ra trong vòng một nghìn năm hoặc thậm chí 10.000 năm nữa.
“Hoạt động địa chất dễ xảy ra nhất là các đợt rò rỉ dung nham giống như đã xảy ra sau vụ phun trào nguy hiểm gần đây nhất. Dòng chảy dung nham như vậy sẽ từ từ rò rỉ ra trong nhiều tháng và nhiều năm, cho phép các nhà quản lý công viên có đủ thời gian để đánh giá tình hình và có biện pháp bảo vệ người dân. Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy một đợt phun trào dung nham như vậy sẽ xảy ra trong tương lai gần.”
Sở địa chất thừa nhận rằng Núi Lửa Yellowstone vẫn đang hoạt động, và không thể làm gì được để ngăn chặn một vụ phun trào.
Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia nhận định:
“Tại Yellowstone và một số khu vực núi lửa khác, một số các nhà khoa học nghĩ rằng lớp vỏ trái đất đứt gãy và rạn nứt theo dạng đồng tâm hoặc dạng vòng. Cho tới một thời điểm nào đó những vết đứt gãy này sẽ chạm tới bể chứa macma, từ đó giải phóng áp suất bên trong, và do đó núi lửa sẽ phun trào. Một lượng lớn các vật chất được giải phóng ra bên ngoài sẽ làm các núi lửa sụp đổ thành các miệng núi lửa lớn, gọi là hõm chảo.”
Sở Địa Chất cũng nói thêm: “Hõm Chảo Yellowstone là loại trẻ nhất, được hình thành khoảng 640.000 năm trước đây. Sau đó đã xảy ra khoảng 80 vụ phun trào riolit (một loại dung nham đặc và dính) và bazan (loại dung nham lỏng hơn). Phần bên trong của hõm chảo được bao phủ phần lớn riolit, hầu hết được phun trào ra trong khoảng 160.000 năm trước đây. Các miệng núi lửa hình thành từ các vụ nổ thủy nhiệt (hơi nước) lớn trong khoảng 14.000 năm trước đây nằm ở vị trí gần hồ Yellowstone và trong các bể mạch nước phun rộng lớn.
“Mọi hoạt động núi lửa mới nào tại khu vực Yellowstone rất có thể sẽ chủ yếu dưới dạng các vụ phun trào dung nham không phát nổ. Một vụ phun trào dung nham có thể tàn phá vườn quốc gia trên diện rộng, bao gồm các vụ cháy và thiệt hại về đường xá và các cơ sở trang thiết bị, nhưng có lẽ sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến các vùng xa hơn.
Đối với tình trạng thải khí heli, sở địa chất nói rằng một nghiên cứu về tình trạng khí heli mà được xuất bản đầu năm nay, đã chỉ ra rằng khí heli “không liên quan đến các hiện trạng ở Yellowstone, và không có liên hệ đến nguy cơ phun trào núi lửa .”
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.