Một bộ phận nhân viên văn phòng thường làm việc trên 8 giờ/ngày, thậm chí có người còn làm hơn 11 giờ/ngày. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trái tim.
Làm việc quá nhiều sẽ khiến cho trái tim mất sức (Ảnh minh họa)
Một số nghiên cứu cho thấy người làm việc quá lâu trong ngày có thể tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn 80% so với người làm việc trung bình 8 giờ/ngày; nếu làm việc hơn 11 giờ/ngày có thể tăng nguy cơ đau tim. Lối sống ngồi nhiều, ít vận động, uống nhiều cà phê, hút thuốc lá, uống nhiều rượu; không có nhiều thời gian ăn trưa, nghỉ trưa, thích dùng các loại thức ăn nhanh; dễ bị stress do nhiều lý do khác nhau như áp lực công việc, quan hệ đồng nghiệp… đều là những yếu tố bất lợi cho sức khỏe trái tim.
Để phòng ngừa và cải thiện sức khỏe trái tim, những người làm việc văn phòng cần lưu ý:
1. Phát hiện sớm tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ
Đặc điểm của đau ngực do thiếu máu cục bộ cơ tim là cơn đau thắt ngực thường xảy ra sau khi gắng sức làm việc nặng, bị xúc động mạnh, sau bữa ăn thịnh soạn, sau giao hợp hay khi gặp thời tiết quá lạnh. Người rơi vào tình trạng này có cảm giác đau ở ngực trái vùng trước tim, đôi khi chỉ thấy khó chịu hoặc cảm giác nặng bị đè ép sau xương ức lan đến cổ, hàm, vai trái, cánh tay trái. Thời gian cơn đau thắt ngực chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, thường không quá 5 phút.
2. Chú ý về dinh dưỡng
Nếu bị béo phì thì nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ, rau quả, trái cây.
Nên ăn lạt, không dùng quá 1,5 muỗng cà phê muối mỗi ngày. Lượng muối này bao gồm cả muối được nêm trong thức ăn và nước chấm.
Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là từ các loại thịt heo, bò, gà…
Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị tiểu đường.
Hạn chế ăn mỡ động vật và dầu dừa. Tốt nhất là dùng các loại dầu ô liu, hướng dương, mè, đậu nành.
Nên ăn nhiều rau cải, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ.
Ngừng hoặc hạn chế uống nhiều rượu, cà phê; bỏ hẳn hút thuốc lá.
Thời gian cơn đau thắt ngực chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, thường không quá 5 phút (Ảnh minh họa)
3. Đừng quên một số tác hại của thức ăn nhanh
Các dạng đồ ăn nhanh như bánh mì hamburger, gà rán, khoai tây chiên cung cấp hơn 1.800 kcal, tương đương lượng calo cần thiết cho cả một ngày làm việc. Bạn sẽ thừa năng lượng cung cấp cho cơ thể và thừa cân nếu ăn thêm chúng trong ngày.
Một phần gà rán chứa hơn 300 g đạm, một phần hamburger cung cấp khoảng
200 g đạm, trong khi nhu cầu chất đạm của cơ thể không quá 150 g mỗi ngày.
Hơn nữa, thức ăn nhanh có ít chất xơ và vitamin. Chỉ vài cọng xà lách, vài lát cà chua chắc chắn không đủ cho nhu cầu trung bình của cơ thể, hậu quả là có thể gây táo bón. Trong khi đó, loại thức ăn này lại có quá nhiều muối, nếu tích lũy lâu ngày rất hại cho thận và tim.
Những chất có trong khoai tây chiên nhiều dầu sẽ gây hại cho các tế bào thần kinh, đồng thời khởi động quá trình nhiễm độc, gây tổn hại cho tế bào cơ.
4. Tự xoa bóp vùng mặt để giảm stress
Bài tập 1:
Ngồi trên ghế tựa duỗi thẳng chân tay, thả lỏng cơ bắp toàn thân, mắt nhắm, tập trung ý nghĩ, loại bỏ mọi tạp ý khác.
– Động tác 1: Hít vào chậm, căng ngực, thót bụng, giữ hơi thở trong khoảng 5 giây.
– Động tác 2: Thở ra chậm sâu, phình bụng.
Nhịp thở tốt nhất từ 6-8 nhịp trong một phút. Mỗi lần tập từ 5-10 phút. Tác dụng: thông khí ở phổi, thư giãn cơ toàn thân.
Bài tập 2:
Đặt 2 bàn tay lên mặt, ngón tay để ở vùng trán, mắt nhắm.
– Động tác 1: Áp vuốt 2 bàn tay từ trán xuống cằm.
– Động tác 2: Đẩy ngược 2 bàn tay lên đỉnh đầu rồi vòng ra sau gáy.
– Động tác 3: Xoa bóp các cơ vùng gáy.
Lặp lại 10 lần 3 thao tác trên. Tác dụng: Làm giãn cơ vùng mặt, vùng gáy, giúp tăng cường máu lưu thông lên não.
Bài tập 3:
– Động tác 1: Ngửa cổ chậm, giữ yên trong 5 giây.
– Động tác 2: Gập cổ chậm, giữ yên trong 5 giây.
– Động tác 3: Xoay cổ sang trái chậm, giữ yên trong 5 giây.
– Động tác 4: Xoay cổ sang phải chậm, giữ yên trong 5 giây.
Tác dụng: Giúp giảm đau cổ.
Ba bài tập này có thể thực hiện lúc nghỉ giữa giờ hay nghỉ trưa.
Theo ThS-BS Phan Hữu Phước (Người lao động)