Vì lợi nhuận, không ít người đã sử dụng hóa chất để tạo ra thực phẩm Tết có mẫu mã bắt mắt nhưng độc hại và đầu độc người tiêu dùng…
Tết Nguyên Đán là lễ hội được đón chờ lớn nhất trong năm của người Việt. Mỗi dịp Tết đến, mọi gia đình Việt đều sắm sửa thực phẩm, đồ dùng để có một cái Tết no đủ, sum vầy.
Song vì lợi nhuận mà một số nhà sản xuất đã bất chấp sử dụng hóa chất công nghiệp độc hại để tạo ra những thực phẩm Tết có mẫu mã bắt mắt nhưng độc hại.
1. Bánh chưng được luộc bằng pin
Với mỗi gia đình người Việt, ngày Tết không thể thiếu đi cặp bánh chưng bày trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý trong việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm lại có thể ẩn chứa hóa chất không tốt cho sức khỏe.
Chất độc được nhắc tới chính là pin. Môi trường chính những viên pin thông thường là kiềm. Trong môi trường này, diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá cây) sẽ chuyển thành màu xanh đậm. Đồng thời, kiềm còn giúp tinh bột hấp thụ nước tốt và trong hơn.
Do đó, nhiều người đã dùng pin để luộc cùng bánh chưng, vừa làm bánh nhanh chín, hạt nếp trong, màu của vỏ bánh lại xanh hơn, bắt mắt mắt hơn.
Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm tàng lại không được nhiều người chú ý tới, đó là các kim loại nặng có trong pin. Chì (Pb), thủy ngân (Hg), Cadmium (Cd) và thạch tín (As)… đều là những chất kịch độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Theo các chuyên gia, nhiễm độc chì sẽ gây vô sinh, sảy thai, tăng huyết áp. Một nghiên cứu khác cũng cho hay chất này làm giảm chỉ số IQ của trẻ em: cứ tăng 10mg/l chì trong máu thì IQ sẽ giảm từ 1-5 điểm. Còn Cadmium khi đã vào cơ thể sẽ được đào thải rất chậm, chỉ cần 30-40g Cadmium tích tụ trong cơ thể cũng đủ gây chết người.
Một trong những bí kíp nhỏ giúp mọi người tránh chọn phải bánh chưng độc hại kiểu này là cần chú ý tới màu sắc của bánh khi mua. Bánh chưng thường luộc phải mất 8 – 9 giờ mới chín, do đó lớp lá bên ngoài thường ngả màu, hơi vàng. Trong khi đó, bánh chưng luộc bằng pin mất ít thời gian hơn, vỏ ngoài cũng có màu xanh mướt, ánh tím.
2. Hoa quả khô bị ướp chất bảo quản
Hoa quả khô (nho khô, táo tàu, trái cây sấy…) là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích vào dịp Tết Nguyên Đán. Thế nhưng, hiện nay tình trạng nhập lậu và sử dụng quá nhiều chất phụ gia, bảo quản đối với sản phẩm này đang dấy lên hồi chuông báo động trong người dân.
Điển hình là vụ việc xảy ra tháng 12/2012 và mới đây là tháng 9/2013 khi các cơ quan chức năng đã bắt giữ những lô hàng nho khô nhập lậu từ Trung Quốc lên tới hàng tấn.
Vụ việc này làm nhiều người nhớ tới thời điểm cuối năm 2009, một số quốc gia đã phát hiện và cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng xí muội có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong sản phẩm này chứa hàm lượng chì độc hại rất cao, gây nguy hiểm cho hệ thần kinh của con người.
Theo kết quả của Trung tâm Kiểm nghiệm Phân tích Hóa Lý (Bắc Kinh, Trung Quốc), một số sản phẩm trái cây sấy khô của nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc chứa một lượng lớn chất phụ gia và bảo quản bị cấm.
Có thể kể tới như chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate, chất tạo màu carmine, amaranth, chất tẩy trắng sulfur dioxide… với nồng độ cao hơn tới 3 lần so với quy định.
Theo các chuyên gia, việc ăn thực phẩm sử dụng hóa chất bảo quản độc hại như trên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Những hóa chất như chất tạo ngọt saccharin sẽ khiến cho người dùng cảm thấy chán ăn, rối loạn tiêu hóa.
Chất sodium cyclamate khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành chất cực độc, có thể gây ung thư. Chất sulfur dioxide kết hợp với vitamin B1 lâu ngày sẽ gây thoái hóa não, gan, phổi.
3. Hạt dưa, hạt hướng dương ngậm thuốc nhuộm vải
Mỗi dịp Tết đến, trong liễn bánh kẹo của mọi gia đình Việt, nhà nào cũng có một chút hạt dưa, hạt hướng dương để cắn cho vui miệng. Những năm gần đây, nỗi lo sợ về chuyện hạt dưa, hạt hướng dương chứa nhiều chất độc đang khiến người dân hoang mang, dè chừng.
Theo đó, rất nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng xút để tẩy trắng, làm sạch hạt dưa, hạt hướng dương. Cụ thể, họ hòa tan 2-3kg xút vào nước lạnh, rồi cho hạt dưa, hạt hướng dương vào ngâm trong khoảng 30 phút. Sau đó, để bảo quản cho hạt dưa không phai màu, hóa chất được sử dụng chính là Rhodamine B – một chất được dùng để nhuộm vải.
Theo các chuyên gia, chất này dính lại ở vỏ, thậm chí ngấm vào nhân bên trong. Khi ăn, Rhodamine B xâm nhập cơ thể, gây tổn thương gan, thận, lâu dần làm tăng nguy cơ ung thư. Người có gan kém có thể bị dị ứng tức thì, biểu hiện là nổi mẩn trên da, sung huyết.
Để phân biệt thực phẩm có chứa loại hóa chất này, khi chọn hạt dưa, bạn nên tránh những hạt dưa có màu sắc sặc sỡ, bóng đỏ như son. Khi dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, hạt dưa có Rhodamine B sẽ phát sáng.
Ngoài ra, nhiều nơi còn ngâm hạt hướng dương vào phèn để tăng độ giòn và thơm ngon lâu. Phèn này chứa nhôm, khi vào cơ thể sẽ rất khó bị đào thải, ảnh hưởng tới tế bào não dẫn đến suy giảm trí nhớ, teo não, đãng trí…
4. Hạt dẻ cười chứa thuốc tẩy
Có nguồn gốc từ Trung Á và còn được gọi là “quả hồ trăn”, “quả hạnh phúc”, hạt dẻ cười đang trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm cao cấp được yêu thích trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, ít ai biết rằng có thể hạt dẻ cười vỏ trắng, hạt xanh trên thị trường hàm chứa hóa chất tẩy trắng nồng độ rất cao.
Bản chất hạt dẻ cười ngon là loại hạt có vỏ ngoài vàng vàng, nâu nâu, bên trong màu sẫm hơn. Trông bề ngoài không đẹp song thực chất đó mới là loại hạt dẻ cười ngon và ít thuốc bảo quản. Còn những loại hạt dẻ cười có màu trắng sáng, nhân xanh bắt mắt thì hầu như đều có thuốc tẩy trắng với nồng độ cao.
Theo một chuyên gia, để tẩy trắng vỏ hạt dẻ cười, có nhiều phương pháp được sử dụng như dùng natri sunfit hoặc chlorine. Trong đó, chlorine là một hóa chất sát khuẩn cực mạnh có trong thuốc trừ sâu, chất độc da cam…
Nếu dùng chất này quá đà thì dư lượng còn lại trên hạt thành phẩm sẽ lớn, dễ xâm nhập cơ thể. Ăn loại hạt dẻ kiểu này thường xuyên, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về rối loạn tiêu hóa, gan, dạ dày…
Do đó, khi lựa chọn mua hạt dẻ cười, bạn hãy tránh chọn những loại hạt dẻ cười quá trắng, nhân quá xanh bởi điều đó chứng tỏ, chúng được xử lý với hóa chất ở nồng độ cao. Những hạt nào có vỏ màu ngả vàng, ít trắng hơn thì nồng độ hóa chất cũng ít và an toàn hơn.
Tạm kết: Tết Nguyên Đán ngày một tới gần. Bạn hãy trở thành người tiêu dùng thông minh bằng cách lựa chọn những sản phẩm chất lượng, có uy tín và được chứng minh là an toàn cho sức khỏe.
Đồng thời, cần báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở sản xuất các loại thực phẩm chứa nhiều chất độc để ngăn chặn sự phát tán, giúp mọi người có cái Tết an lành.
Theo Kenh14