Tinh Hoa

41 học sinh nhập viện vì mắc cúm A/H1N1

Từ 18/1 đến nay đã có 41 học sinh trường THPT Trí Đức (Hà Nội) nhập viện vì nhiễm cúm H1N1- chủng gây đại dịch năm 2009.

41 học sinh này được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) theo dõi, sau 1-2 ngày hầu hết các em đều đã được xuất viện, một số trường hợp còn sốt được chuyển đến khoa Nhi điều trị cúm A/H1N1, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 


Học sinh mắc cúm đang điều trị tại BV Nhiệt đới TƯ

  Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết người dân cần cảnh giác (đặc biệt ở miền Bắc) vì đây đang là thời điểm bước vào mùa cúm.

Không chỉ cúm A(H5N1), A(H7N9) mới nguy hiểm mà cúm mùa thông thường cũng có thể gây bội nhiễm viêm phổi, khó thở, thậm chí gây tử vong do suy hô hấp, suy đa tạng.

Theo bác sỹ Hồng Hà, cúm về mùa đông thường diễn biến nặng hơn. Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính.

Kết quả xét nghiệm tại các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia gần đây cho thấy, chủng virus cúm lưu hành trên người thời gian qua chủ yếu là H3N2, H1N1 địa dịch và cúm B.

Để phòng bệnh, người dân cần chú ý rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, khí trời; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

Khi bị cúm thì nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi. Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh.

Những trường hợp sốt cao, khó thở cần đến cơ sở y tế ngay, không được chủ quan để ở nhà. Thực tế, các ca H1N1 biến chứng nặng đều do đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” dùng tamiflu là 3 ngày đầu khi có biểu hiện bệnh. Thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus trong cơ thể, làm bệnh diễn biến nhẹ hơn.  

Theo C.Quyên (VietNamNet)