Đau đớn, hoảng loạn khi sức khỏe, dung nhan bị hủy hoại, không ít nạn nhân bỏng axit đã tìm đến cái chết hoặc sống khép kín.
Chuyện cô gái sinh năm 1992 phải nhập viện điều trị trong tình trạng bỏng nặng vùng đầu mặt cổ vì bị “kẻ yêu đơn phương” tạt axit khi chuẩn bị về quê làm đám hỏi đã gây chấn động dư luận những ngày qua. Hậu quả của những vụ tạt axit rất nghiêm trọng, dù người bị hại không chết nhưng đã gây ra những tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần.
Phân tích về hậu quả mà bỏng axit gây ra, bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, một trong những đặc thù thường gặp của bỏng axit là nạn nhân đa số bị hủy hoại dung nhan với những ám ảnh khủng khiếp, ảnh hưởng tâm sinh lý to lớn.
Nguyên nhân dẫn đến bỏng axit đa số liên quan đến yếu tố xã hội, nạn nhân bị kẻ gây bỏng cố tình tạt vào những vùng ưu tiên, vùng thẩm mỹ đầu mặt cổ. Axit thường gây bỏng lan rộng, bỏng sâu toàn bộ lớp da, buộc phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cắt hoại tử để cắt ghép da và thường để lại di chứng như sẹo xấu, sẹo biến dạng, sẹo co rút, phì đại… Khuôn mặt vì thế bị hủy hoại, biến dạng, ảnh hưởng đến các giác quan khiến nạn nhân “sống không bằng chết”.
Vì thế, bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nữ không chỉ gánh chịu đau đớn về thể xác trong khi điều trị bỏng mà sau khi bước ra khỏi cánh cửa bệnh viện, trở về với cuộc sống đời thường, những nỗi đau vẫn kéo dài dai dẳng. Không ít người đã hoảng loạn tìm đến cái chết để chấm dứt đau khổ.
Trước đây, một cô gái tại Ý Yên, Nam Định, bị một người lạ mặt tạt axit khi đang ngồi sau xe chồng sắp cưới. Sự việc xảy ra trước hôn lễ chỉ khoảng nửa tháng. Khi tỉnh lại, biết mặt mình bị biến dạng, cô gái đòi hủy hôn và bắt đầu chuỗi ngày sống trong nước mắt. May mắn được người chồng hiền lành, chất phác luôn sát cánh và nhà trai vẫn kiên quyết tổ chức đám cưới.
Tuy nhiên, từ ngày cưới nhau, cô hầu như không đủ tự tin để ra khỏi nhà. Các mối quan hệ bạn bè cô cũng tuyệt giao hết. Chồng rủ đi đám cưới, hội hè cô đều từ chối. Nhiều lúc rảnh rỗi, cô mang ảnh cưới ra xem, rồi lại khóc. Chiếc bàn phấn trong phòng, cô cũng chưa một lần can đảm soi gương.
Bác sĩ Đạo cho biết, cuộc sống sinh hoạt như ăn uống của không ít bệnh nhân sau bỏng cũng gặp khó khăn do da bị co kéo. Nhiều trường hợp bị biến dạng nghiêm trọng như mất một bên cánh mũi, hở mi mắt, mất tai…, gây những trở ngại lớn.
Các bác sĩ khoa Bỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy từng làm một cuộc nghiên cứu nhỏ với nạn nhân từng điều trị bỏng axit. Sau khi bệnh nhân xuất viện, các bác sĩ quay lại tìm địa chỉ nhà để hỏi thì hầu hết mọi người không còn ở TP HCM mà đã chuyển về quê hoặc đi nơi khác sinh sống. Kết quả khảo sát cũng cho thấy nạn nhân gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống. Những ký ức về việc bị tạt axit thường trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời nạn nhân.
“Với nạn nhân bỏng, việc tư vấn không chỉ nằm trong điều trị mà còn phải tiếp nối sau điều trị với những hướng dẫn cụ thể giúp ổn định tâm lý của cả bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ Đạo chia sẻ. Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tích cực cho in những tờ rơi giải thích về bỏng, đưa ra lời khuyên về chế độ chăm sóc điều trị sau bỏng, sau ghép da… phát hành rộng rãi đến bệnh nhân và người nhà.
Hiện các kỹ thuật phẫu thuật tạo hình bỏng tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng chỉ giải quyết phần nào chứ không thể để bệnh nhân trở lại bình thường được. Bác sĩ Đạo cho biết thêm, cách đây 10 năm, số bệnh nhân bỏng axit nhập viện cấp cứu tại bệnh viện tương đối nhiều. Khoảng 10 năm trở lại đây, số ca nhập viện ít hơn, mỗi năm chừng khoảng 10 ca. Tuy nhiên, gần đây số ca nhập viện có dấu hiệu tăng trở lại, nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi từ 20 đến 50.
Chia sẻ với nỗi đau của những gia đình có người thân bị tạt axit, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Viện Tâm lý thực hành TP HCM cho biết, sự việc này sẽ là cú sốc rất lớn đối với nạn nhân cũng như gia đình. Sẽ không tránh khỏi những áp lực từ dư luận xã hội, đối mặt với những tò mò, suy đoán về việc người thân đã sống ra sao mà lại đến nông nỗi đó. Nhiều phụ huynh sinh con ra, nuôi con lớn, nhìn con đang trưởng thành thì lại phải đau lòng chứng kiến con đột ngột trở thành phế nhân với những lo lắng về tương lai, gánh nặng chăm sóc con cái…
Về phía nạn nhân, điều đầu tiên dễ thấy là những đau đớn về mặt thể xác là rất lớn. Sau bỏng, bệnh nhân còn phải đối diện với tình trạng nhan sắc, hình thể bị biến dạng, tương lai sự nghiệp cũng bị ảnh hưởng, nếu đang đi làm thì khả năng lao động cũng sẽ bị giảm sút. Và điều nặng nề nhất chính là những tổn thương tâm lý, mặc cảm vì bản thân trở thành người thừa thãi, xấu xí, thành gánh nặng cho người khác nên bi quan, suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết…
Chuyên gia phân tích những diễn biến tâm lý như trên là rất tự nhiên. Tuy nhiên, cần tỉnh táo nhìn nhận mọi việc. “Bệnh nhân cần nghĩ mạng sống của mình nếu không đáng giá thì các y bác sĩ đã không vất vả giành giật từng giây từng phút để cứu sống, đưa mình từ cõi chết trở về, người thân đã hồi hộp đứng chờ hàng giờ trước cửa phòng cấp cứu. Ý nghĩ chấm dứt cuộc sống tức là đã phụ công sức của cả đội ngũ y bác sĩ, của người thân đã ngày đêm túc trực chăm sóc”, chuyên gia tâm lý chia sẻ.
Ông Nguyên cũng phân tích, tai nạn trong cuộc sống rất khó lường. Cần nghĩ đến những người rơi vào nghịch cảnh, cụt cả hai tay, hai chân, người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng khát vọng sinh tồn vẫn rất cao, họ có thể làm được những điều kỳ diệu. Nghịch cảnh sẽ giúp ta thể hiện ý chí. Hiện nay có nhiều người mất khả năng lao động nhưng vẫn làm được nhiều công việc có ích. Cuộc sống này không đẩy ai vào đường cùng, không có việc này thì sẽ có việc khác phù hợp hơn. Cuộc sống, tình người luôn mở rộng vòng tay, vì thế không nên quá bi quan, không nên nghĩ cuộc đời này thế là hết. Theo Lê Phương (VnExpress.net)