Tinh Hoa

Tìm thấy thành phố cổ 3000 tuổi từ thời đồ đá

Giới nghiên cứu đã rất sửng sốt khi tìm thấy cả một thành phố cổ có niên đại hơn 3.000 năm.

Ở vùng núi Kurdistan thuộc miền bắc Iraq, các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy một thành phố cổ có tên gọi Idu, một thành phố bị lãng quên, nằm ẩn mình dưới một ngọn núi.



Nơi đây từng tồn tại một thành phố lớn có tên gọi Idu.

Những ký tự tượng hình được khắc trên các tấm bia đá và những tác phẩm nghệ thuật được tìm thấy ở đây cho thấy thành phố cổ này đã từng phát triển thịnh đạt từ cách đây hàng nghìn năm. Nơi đây từng là một trung tâm phát triển kiến trúc với các đền đài, cung điện mọc lên nguy nga, hoành tráng.



Một phần diện tích đã được khai quật ở thành phố cổ Idu.



Một vạt tường với những họa tiết cầu kỳ.

Nằm trong thung lũng ở bờ bắc hạ lưu con sông Zab, những phế tích còn lại của thành phố cổ Idu giờ chỉ còn lại một phần nhỏ. Phần lớn phế tích đã bị vùi sâu dưới móng của những ngôi nhà do người dân dựng lên.

Những phế tích cổ ở đây đều thuộc về thời kỳ Đồ đá mới, khi đó, ở khu vực mà ngày nay người ta gọi là Trung Đông, con người bắt đầu biết làm nghề nông. Giờ đây, trên vùng đất từng một thời là thành phố cổ phát đạt, một ngôi làng nhỏ có tên Satu Qala đã mọc lên.



Một món đồ nông cụ chưa rõ công dụng.

Thành phố cổ Idu được dự đoán có niên đại cách đây 2.900-3.300 năm. Các nhà khảo cổ học từ Châu Âu cũng đã bắt đầu tìm đến với địa điểm khảo cổ thú vị này. Nơi đây đã từng chứng kiến các đế chế hùng mạnh thống trị rồi lụi tàn và một đế chế khác mạnh hơn được hình thành.

Trước đây, dân làng Satu Qala đã từng tìm thấy những tấm bia đá cổ ở xung quanh khu vực này. Việc khai quật bắt đầu được thực hiện chính thức từ năm 2010-2011, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những kết quả bất ngờ.

Rất ít cuộc khảo cổ từng được tiến hành tại khu vực Kurdistan của Iraq. Những cuộc xung đột trải dài suốt 3 thập kỷ từng khiến các nhà khoa học không thể tiếp cận với vùng đất vốn được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại.

Những hình vẽ và ký tự được khắc trên các tấm bia đá đã cho các nhà khảo cổ những manh mối đầu tiên về một thành phố cổ từng một thời phát triển cực thịnh với các đền đài, cung điện mọc lên vô số.

Tại khu phế tích này, người ta tìm thấy những hình vẽ cổ xưa nhất, từng là những chi tiết trang trí cho các quần thể lâu đài cổ khổng lồ. Chẳng hạn như hình tượng nhân sư hay hình người dắt ngựa…



Một bức vẽ người dắt ngựa còn khá nguyên vẹn và rõ nét.



Một bức vẽ đã bị vỡ vụn thành nhiều mảnh, khắc họa hình nhân sư mang đầu người, mình sư tử có cánh.

Một món đồ cổ ấn tượng được các nhà khảo cổ tìm thấy là một con dấu hình trụ có niên đại khoảng 2.600 năm. Khi lăn nó trên một mảnh đất sét, người xem sẽ thấy hiện ra một cảnh tượng mang màu sắc thần thoại.

Hình ảnh được con dấu tạo nên khắc họa một người đàn ông đang khuỵu gối, giương cung lên trước một con quái vật sư tử đầu chim. Xung quanh con quái vật là các biểu tượng hình trăng, sao và mặt trời.

Bên cạnh đó còn có một biểu tượng người Iraq vẫn gọi là rhomb, biểu trưng cho sức sinh sản. Hình ảnh vị anh hùng đang khuỵu gối và giương cung tên được cho là biểu tượng của thần chiến tranh Ninurta.



Hình ảnh con dấu tạo ra khi đem lăn trên đất sét.

 
Sau khi thực hiện việc khai quật, các nhà nghiên cứu rất muốn mở rộng diện tích khảo cổ, tuy vậy, trước tiên công tác di dân phải được tiến hành, đây là một vấn đề khó khăn và đòi hỏi thời gian. Hiện tại, Iraq đang dần trở thành một địa điểm thu hút giới khảo cổ từ khắp nơi trên thế giới.
 
 
Bích Ngọc Theo Huffington Post

Nguồn: Dân Trí