Lịch sử từng chứng kiến hàng loạt vụ xả lũ vô trách nhiệm, gây thiệt hàng lớn không chỉ về tài sản mà cả tính mạng người dân.
Không ra thông báo hoặc có thông báo thì làm chống đối trong khoảng thời gian ngắn trước khi cho đập thủy điện xả lũ, khiến người dân trở tay không kịp. Đó là cách người ta đang đối xử với dân nghèo vùng hạ lưu.
Hãy cùng VTC News điểm lại những vụ xả lũ đột ngột, gây tổn thất lớn, khiến người dân kinh khiếp.
Xả lũ đột ngột, cuốn phăng một thị trấn ở Đăk Lăk
Sáng 18/9 vừa qua, sau một ngày bị nhấn chìm trong biển nước, hàng chục ngôi nhà cùng hàng trăm hecta hoa màu của người dân tại thị trấn Eađrăng (huyện Eahleo, Đăk Lăk) đã bị dòng nước lũ cuốn trôi.
Cận cảnh vụ xả lũ đột ngột ở Đăk Lăk (Ảnh: Internet) |
Người dân địa phương cho biết, họ không hề được chính quyền và Ban quản lý đập thông báo từ sớm để di dời, bảo toàn tài sản. Khi lũ đã tràn về rồi mới được thông báo, lúc đó đã quá muộn, họ chỉ còn biết tháo chạy thoát thân, tất cả tài sản đều phải bỏ lại.
Sau khi công luận lên tiếng, chính quyền địa phương kiên quyết khẳng định “đã thông báo đến dân trước khi xả lũ”. Tuy nhiên, thông báo trước bao lâu thì chỉ chính quyền mới biết.
Bình luận về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, những thiệt hại mà người dân đang gánh chịu là rất lớn. Có những thiệt hại không thể đền bù được bằng tiền.
Hồ thủy điện miền Trung đồng loạt xả lũ: Dân trở tay không kịp
Vào đầu tháng 11/2011, mưa lớn cộng với việc hồ thủy điện miền Trung đồng loạt xả lũ khiến hàng trăm nghìn gia đình ở vùng hạ du ngập nặng, 22 người chết.
Tại Thừa Thiên – Huế, hai nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền đã không thể tích nước cắt lũ mà liên tục mở cửa xả. Chỉ trong đêm mùng 5, nước lũ tràn về vùng hạ lưu và sáng mùng 6 khắp thành phố Huế, các huyện Phú Vang, Quảng Điền mênh mông nước.
Thủy điện xả lũ, Huế chìm trong biển nước |
Tại Quảng Nam, Ban quản lý công trình thủy điện sông Tranh 2 đã cho xả lũ từ một tháng trước đó. Tuy nhiên đến ngày 7/11, họ đồng loạt mở 6 cửa xả với lưu lượng từ 3.500 đến 5.000 m3/s.
Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định mưa lớn kèm theo xả lũ thủy điện với lưu lượng lớn đã gây thiệt hại nặng cho vùng hạ lưu. Hàng trăm nghìn hộ dân ở các huyện như Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An… bị ngập.
Mỗi lần Ban quản lý thủy điện sông Tranh 2 xả lũ thì Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam fax văn bản thông báo trước 3-4 giờ. Theo ông Lê Ngọc Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Sơn (Quảng Nam), nếu tính từ cửa xả của thủy điện sông Tranh 2 đến huyện Nông Sơn vài chục km thì khoảng thời gian thông báo như trên là quá ngắn, người dân không kịp đối phó.
Tại Phú Yên, vào thời điểm trên, chính quyền địa phương và người dân cũng bức xúc trước quy định về thời gian thông báo trước khi xả lũ của Ban quản lý thủy điện sông Ba Hạ. Tối 8/11, nhà máy này xả lũ với lưu lượng 1.400 m3/s, thuỷ điện Sông Hinh xả 200 m3/s khiến nhiều xã tại các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hoà bị lũ cô lập, nhiều tuyến giao thông trọng yếu bị chia cắt.
Thủy điện xả lũ nửa đêm, cuốn trôi 14 tỉ đồng của dân
Vào ngày 24/5/2011, nhà máy thuỷ điện Ka Nát (Ban Thuỷ điện 7 làm chủ đầu tư) bất ngờ xả lũ lúc nửa đêm làm người dân huyện K’Bang (Gia Lai) mất trắng hơn 14 tỉ đồng.
Vào ngày 24/5/2011, nhà máy thuỷ điện Ka Nát (Ban Thuỷ điện 7 làm chủ đầu tư) bất ngờ xả lũ lúc nửa đêm làm người dân huyện K’Bang (Gia Lai) mất trắng hơn 14 tỉ đồng. |
Xã Đông chịu hậu quả nặng nề nhất. Nước lũ đã cuốn 25,5 ha cây trồng, chủ yếu là cây ớt đang kỳ thu hoạch rộ (16 ha), số còn lại là bắp và đậu xanh. Ngoài ra, hàng chục máy hút cát và máy bơm nước của người dân đặt ven sông cũng bị lũ cuốn trôi.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhà máy thuỷ điện Ka Nát, nằm trong dự án xây dựng nhà Cụm công trình thuỷ điện An Khê – Ka Nát do Ban Thuỷ điện 7 làm chủ đầu tư xả lũ đột ngột trong đêm 24 và rạng sáng 25/5 nhưng không thông báo đến người dân.
Không lâu sau đó, UBND huyện K’Bang đã gửi công văn yêu cầu Ban Thuỷ điện 7 đền bù toàn bộ những thiệt hại của nhân dân trong thời gian sớm nhất để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Đến ngày 27/5, tại buổi làm việc với địa phương và người dân sau sự cố xả lũ bất ngờ vào đêm 24 rạng sáng 25/5, Ban quản lý dự án thủy điện 7 (thuộc EVN), đơn vị quản lý công trình thủy điện An Khê – Kanat đã thừa nhận trách nhiệm và khẳng định sẽ phối hợp thống kê thiệt hại để có phương án giải quyết cụ thể.
Thủy điện A Vương xả lũ gấp 10 lần cho phép
Ngày 16/10/2009, đoàn công tác của Ban phòng chống lụt bão trung ương đã kiểm tra, thu thập dữ liệu việc hồ thủy điện A Vương xả lũ bất ngờ chiều 29/9 tại Quảng Nam. Đây cũng là lúc cao điểm bão số 9 quét qua tỉnh này.
Hồ thủy điện A Vương |
Cuộc làm việc đã diễn ra hết sức căng thẳng. Công ty Thủy điện A Vương bảo rằng họ làm đúng quy trình xả lũ của Bộ Công thương. Trong khi đó, đại diện tỉnh Quảng Nam một mực khẳng định việc xả lũ của A Vương đã góp phần gây ra trận lũ chưa từng có, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng trăm hộ dân huyện Đại Lộc.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định chỉ cho phép xả lũ hơn 4 tiếng. Thủy điện A Vương xả tới 2 ngày 2 đêm. Trong khi đó, lãnh đạo của Công ty cổ phần A Vương phản pháo rằng họ làm đúng quy trình của Bộ Công thương, thậm chí còn hùng hồn tuyên bố: “Nếu chúng tôi cố tình giữ nước rồi sau đó xả lũ thì tôi sẽ bị truy tố”.
Qua vụ việc này có thể thấy dù ai đúng, ai sai cũng… huề thôi, chỉ có người dân là chịu thiệt.
Khó xử lý việc xả lũ sai?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng (Này là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam) từng khẳng định, Bộ Công thương sẽ rà soát các thuỷ điện nhỏ, trên cơ sở nếu nhà máy nào phát điện ít mà gây ngập lụt nhiều, gây ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất nông nghiệp thì Bộ Công thương sẽ yêu cầu loại bỏ.
|
Trên thực tế, không rõ việc rà soát được tiến hành như thế nào, nhưng đúng như đại biểu quốc hội Bùi Thị An nhận định, hiện có những địa phương đang có quá nhiều đập thủy điện.
Ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công Thương) thừa nhận, đến nay chỉ có quy định về xử phạt trong phòng chống lụt bão nói chung là nghị định 04, căn cứ vào hành vi cụ thể.
“Ngay trong quy định về phòng chống lụt bão đối với các hồ thủy điện của nghị định này cũng rất hạn chế. Cả khi chúng tôi đi kiểm tra phát hiện, cũng chỉ biết nhắc nhở họ phải có phương án phòng chống lụt bão, nhưng nếu họ không làm, sang năm sau đi kiểm tra họ cũng chưa làm thì chúng tôi lại… nhắc nhở tiếp chứ không thể phạt được”, ông Dũng nói.
Từ góc độ của chuyên gia thủy văn, bà Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết trong quá trình xây dựng quy chế vận hành hồ thủy điện sông Ba Hạ, nhiều ý kiến đề nghị các nhà máy thủy điện phải báo trước tối thiểu 6 giờ trước khi xả lũ để người dân và các cấp chính quyền vùng hạ du triển khai các biện pháp ứng phó.
Tuy nhiên, vì dự báo mưa và lũ tại khu vực miền Trung đang là một thách thức lớn đối với ngành khí tượng nước nhà nên cuối cùng đã quyết định các hồ thủy điện này chỉ thông báo trước khi xả lũ tối thiểu là hai giờ.
Rõ ràng, đây quả là một bài toán rất khó, cần sự vào cuộc khẩn trương của ngành liên quan để giúp nông dân không phải đối mặt với những trận lũ kinh hoàng.
Minh Quân (vtc.vn)