Khoảng 20.000 tù nhân tại Trại giam số 22 – một trong những trại lao động khổ sai tàn khốc nhất dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã biến mất đầy bí ẩn, nhóm hoạt động nhân quyền tại Mỹ cho biết.
Khả năng 20.000 tù nhân đã bị ép chết vì nhiễm bệnh tật hoặc bị bỏ đói trong nỗ lực gấp rút đóng cửa Trại giam số 22 vào cuối năm ngoái.
Thông tin trên được tiết lộ trong bản báo cáo của Ủy ban Nhân quyền tại Triều Tiên (HRBK), đồng thời mô tả chi tiết những hình phạt dã man mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un thi hành kể từ khi lên nắm chức chủ tịch Triều Tiên sau cái chết đột ngột của cố chủ tịch Kim Jong-in vào năm 2011. Hiện nay, HRNK đang yêu cầu chính phủ Triều Tiên cho phép điều tra về số phận của 20.000 tù nhân.
Phạm nhân lao động trong Trại giam số 22 tại Triều Tiên |
Tổ chức HRNK đặt trụ sở tại Washington đã thu thập thông tin từ những công dân Triều Tiên bỏ xứ bao gồm các cựu quản giáo và các tù nhân may mắn sống sót ra tù kết hợp với hình ảnh chụp từ vệ tinh. Trong đó, NRNK đã tập trung theo dõi Trại giam số 22 nằm trên diện tích rộng gần 2.000 km2 – lớn hơn cả thủ đô London, Anh.
Bản báo cáo mang tên “Những thay đổi trong các trại giam” nhấn mạnh 2 trại giam tại Triều Tiên đã bị đóng cửa hồi năm ngoái song 130.000 phạm nhân vẫn thi hành án tù khổ sai trong các trại giam khác trên toàn quốc.
“Chính quyền Triều Tiên cô lập, trục xuất, trừng phạt và tử hình những nghi phạm phản quốc. Các phạm nhân thường xuyên bị bỏ đói, lao động khổ sai và chịu các hình phạt tra tấn dã man. Thậm chí, chính phủ Triều Tiên không cho phép người ngoài vào các trại giam thậm chí là các nhà điều tra nhân quyền, giới học giả và truyền thông quốc tế cũng như hạn chế phát tán thông tin ra ngoài khu vực lãnh thổ”, bản báo cáo của NRNK viết.
Trước thời điểm đóng cửa vào tháng 12/2012, chính tình trạng bỏ đói thường xuyên đã khiến số tù nhân giảm nhanh chóng từ 30.000 xuống còn 3.000 người trong trại giam số 22 tại tỉnh phía bắc Hamyong.
Trả lời các nhà điều tra, những người Triều Tiên biệt xứ cho biết 8.000 tù nhân đã được chuyển tới các trại giam khác song không hề có thông tin bất cứ phạm nhân nào được ra tù, làm dấy lên khả năng họ đã chết do không chịu được sự khổ cực khi bị giam giữ.
“Việc đồng tiền Triều Tiên mất giá vào năm 2009 cùng với tình trạng mùa màng thất thu đã khiến nhiều tù nhân bỏ mạng sau năm 2010”, bản báo cáo NRNK tiết lộ.
Hồi cuối tháng Tám, Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận tại Seoul và Tokyo về những báo cáo liên quan tới tình trạng lạm dụng nhân quyền tại Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định quốc gia này tôn trọng quyền công dân và từ chối cho phép các thành viên của Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc tới thăm những địa điểm được nhắc tới trong báo cáo.
Những phạm nhân Triều Tiên bị kết án chung thân thường phải tìm cách tồn tại nhờ ăn thịt cóc, chuột và hạt ngũ cốc trong phân động vật.
Theo các nhà hoạt động nhân quyền, khoảng 40% tù nhân Triều Tiên bỏ mạng vì chết đói, trong khi những người khác chịu cảnh bệnh tật, lạm dụng tình dục, tra tấn, hoặc thậm chí làm việc tới chết. Tất cả phạm nhân là nam nữ hay trẻ em đều phải làm việc tới 16 giờ/ngày trong tình trạnh vô cùng cực nhọc tại các mỏ than và rừng rậm.
Giới phân tích nhận định những tù nhân thi hành án trong các trại giam khổ sai dường như không có cơ hội sống sót trở về với gia đình. Những người trốn tù bị bắt lại sẽ bị tử hình. Theo Tần Khanh (Infonet)