Cái tình cảnh éo le khó xử thật!. Đêm khuya trời mưa gió, một người đàn ông trẻ tuổi có nên tiếp một người đàn bà trẻ tuổi vào nhà không? Không tiếp thì là bất nhân, vì không chịu cứu giúp một kẻ yếu đuối đang gặp lúc mưa gió khổ thân. Tiếp, thì là bất nghĩa và không khỏi cái tiếng trai gái có tình ý, mang cái tội tà dâm bất chính. Một đằng bất nhân, một đằng bất nghĩa, chọn đàng nào vì cái tình cảnh không sao giữ trọn vẹn được cả đôi đàng? Dễ chỉ có làm như ông Vân Trường đốt đuốc cầm suốt đêm chỗ trước cửa cho hai chị dâu ngủ, họa mới rõ là người nghĩa sĩ mà thôi. Như người nước Lỗ đây đành là bất nhân, cố giữ lấy cái “nghĩa” là theo lý tưởng rất nghiêm bên Á Đông ta là: “Nam nữ hữu biệt”.
Chú thích:
Liễu Hạ Huệ:
người nước Lỗ, thời Xuân Thu, nổi tiếng là một chính nhân quân tử. Mạnh Tử khen ông là bậc thánh về Hòa. Liễu Hạ Huệ một hôm dừng chân nghỉ qua đêm trước cổng thành, có một phụ nữ cũng đến trú chân. Trời lạnh người phụ nữ này bị cảm lạnh, rét cóng, Liễu Hạ Huệ liền cởi áo mình ra khoác lên người cô ta rồi ôm vào lòng để cô ta hết lạnh, mà trong lòng không hề có một chút tà tâm.Lại có lần Liễu Hạ Huệ ngồi xe ngựa với đàn bà, đi cả quãng đường dài mà mắt ông chỉ nhìn thẳng chứ không hề liếc ngang lần nào.