Mới đây, các nhà khoa học Anh đã lên tiếng công bố một bộ sưu tập gồm gần 25.000 cổ vật thuộc thời kỳ La Mã cổ đại, trong đó đặc sắc nhất là bức tượng bán thân mô tả gương mặt người tình đồng tính của một vị hoàng đế, chiếc trâm cài hình cá heo bằng bạc và đặc biệt là mô hình dương vật nam giới làm từ xương động vật..
Theo nhà cố vấn thuộc PAS Sally Worrell và nhà khảo cổ học John Pearce tại trường Cao đẳng King London, kho hiện vật mang đậm giá trị nghệ thuật này có niên đại khoảng 1.600 đến 2.000 năm, được tìm thấy trên toàn nước Anh vào năm 2011, trong khuôn khổ “Đề án săn tìm cổ vật” (PAS) của chính phủ Anh.
Được tìm thấy ở Essex County, khu vực phía đông bắc London, chiếc trâm cá heo mạ vàng và bạc là một trong những tạo tác hiếm hoi và đặc sắc. Worrell cho rằng nguồn gốc của nó nhiều khả năng đến từ lục địa châu Âu và người ta đã mang tới hòn đảo Britain này vào thời La Mã.“Tôi không biết chủ nhân của nó là ai nhưng tôi chắc chắn đây là một loại trâm đặc biệt, không ai có thể thấy một cái khác giống như thế”, Worrell nói.
Bức tượng được cho là hình ảnh người tình đồng
giới của Hoàng đế La Mã Hadrian. (Ảnh: Livescience)
Một hiện vật khác cũng độc đáo không kém – chiếc nhẫn nhỏ với tỷ lệ vàng nguyên chất chiếm tới 90-93%, được phát hiện ở Nottinghamshire, quê hương của nhân vật Robin Hood trong truyền thuyết. Nó có một “viên đá quý nhỏ hình bầu dục” ở chính giữa. Theo suy đoán của Worrell, đây là chiếc nhẫn đính ước biểu tượng cho người có địa vị cao trong xã hội. “Lý do khiến thứ quý giá như vậy lại chôn tại Nottinghamshire hiện vẫn chưa rõ, có thể đơn giản chỉ là nó đã bị đánh mất hoặc là món quà dâng lên các vị thần”.
Bên cạnh đó, gây nhiều tranh cãi nhất là bức tượng bán thân rỗng làm bằng hợp kim đồng mô tả một người đàn ông trẻ tuổi để ngực trần. So sánh với các bức tượng từng được tìm ra trước đây, nhóm chuyên gia nhận định đây có thể là Antinous, người tình đồng giới của hoàng đế Hadrian – người trị vì La Mã từ năm 117 SCN đến năm 138 SCN. Đời sống tình dục người La Mã giai đoạn này cực kỳ phóng túng do sự sùng bái thần Venus – vị thần đại diện cho tình yêu và tính dục. Cho nên, mối quan hệ đồng tính giữa Hadrian và một người đàn ông Hy Lạp tên Antinous không hề bị e ngại.
Tuy nhiên, sau cái chết của Antinous trong chuyến viếng thăm Ai Cập năm 130, vì quá đau buồn, Hadrian đã thần thánh hóa Antinous bằng cách ra lệnh cho cả đế quốc La Mã để tang người tình trẻ, xây thành phố tại Ai Cập đặt tên là Antinopolis và đúc đồng tiền có hình Antinous. “Nếu bức tượng này đúng là Antinous thì đây sẽ là bằng chứng khá thú vị về sự sùng bái Antinous vượt ra khỏi ranh giới khu vực Địa Trung Hải”, theo John Pearce.
(vietnamnet.vn)