Tinh Hoa

Khoai tây độc Trung Quốc đã tràn khắp chợ

Mặc thông tin cơ quan chức năng vừa tiến hành tiêu hủy 26 tấn khoai tây hồng nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa chất độc hại Chlorpyrifos vượt ngưỡng cho phép 16 lần. Hầu hết các chợ tại TP.HCM vẫn đang bán khoai tây Trung Quốc.

Khoai tây độc hại Trung Quốc vào Việt NamXem bài khác trên Vef.vnLý do khoai tây Trung Quốc (TQ) tràn ngập các chợ, theo giới tiểu thương, là loại khoai này bán chạy hơn khoai trong nước nhờ giá rẻ hơn. Chị Hiền, tiểu thương ngành rau củ chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), cho biết giá khoai tây Đà Lạt đang tăng, loại ngon nhất bán thấp nhất cũng 40.000 đồng/kg. Trong khi khoai tây TQ loại lớn nhất bán ra chỉ khoảng 30.000 đồng/kg.

Về cơ bản, khoai tây TQ nhìn cũng giống khoai Đà Lạt, nhất là sau khi chúng được “mặc áo”. Chị Lan, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, nói: “Khoai tây TQ cũng trộn đất đỏ lấm lem như khoai Đà Lạt, rất khó phân biệt. Ngay cả củ cải, bông cải… người dân cũng không phân biệt được hàng Đà Lạt với hàng TQ. Chỉ khi tiểu thương nói thiệt mới biết”. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương để bán được hàng vẫn luôn nói “đó là khoai Đà Lạt”. Thậm chí, thông tin khoai tây TQ có chất độc hại các tiểu thương cũng ém nhẹm, trong khi nhiều bà nội trợ không hề biết.

Một số người thường phân biệt loại khoai tây củ to là hàng TQ nhưng nếu tiểu thương giải thích hàng Đà Lạt loại “tuyển” nên củ to, đẹp, giá cao hơn thì người tiêu dùng cũng khó nhận ra. Cô Hà, tiểu thương chợ Thái Bình, Q.1 thừa nhận “sự nhập nhèm này đang khiến khoai tây TQ chiếm lĩnh thị phần trên kệ rau, củ của các tiểu thương”.

Theo giới thương nhân, khoai tây TQ chủ yếu nhập về TP.HCM tiêu thụ, vì đây là thị trường lớn nhất cả nước. Nhưng để “đội lốt” khoai nội, thương lái thường đưa hàng về Đà Lạt “phù phép”, sau đó mới chuyển xuống TP.HCM đánh lừa người tiêu dùng đó là khoai Đà Lạt. Theo một cán bộ quản lý thị trường, việc tiểu thương mập mờ nguồn gốc, khoai tây TQ nhưng nói với người tiêu dùng là hàng trong nước rất khó xử lý, vì lời nói gió bay, không có chứng cứ. “Chỉ khi nào khoai tây xuất xứ TQ nhưng đưa vào siêu thị, ghi trên nhãn mác là hàng Đà Lạt, hàng Hà Nội, nếu phát hiện thì mới xử lý được”, vị cán bộ này nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: “Sau vụ khoai tây TQ ở Đà Lạt bị phát hiện chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, Cục sẽ tăng cường tần suất kiểm tra và nâng mức kiểm tra lên chặt hơn đối với mặt hàng khoai tây TQ ở cửa khẩu. Đây là điều quan trọng nhất, vì từ các cửa khẩu khoai tây TQ vào nước mình. Các địa phương cũng cần có kế hoạch tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát mặt hàng này. Những ngày tới chúng tôi tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện nguy cơ cao thì sẽ đề xuất các địa phương tăng cường lấy mẫu khoai tây TQ trên thị trường để giám sát, kịp thời xử lý”.

Nhiễm chất diệt mối vượt mức 16 lần

Ngày 10-6, tổ kiểm tra liên
ngành TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phát hiện tại kho hàng của bà Nguyễn Thị
Nguyệt (44 tuổi) ở khu Hòn Bồ, P.12 có 52 tấn gồm khoai tây vàng và
hồng. Dù các lô hàng có giấy tờ nhập khẩu hợp lệ, có giấy chứng nhận
kiểm dịch và kiểm tra ATTP do Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh – Chi
cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cấp ngày 20-5 nhưng các cơ quan chức năng
của TP Đà Lạt vẫn lấy mẫu 2 lô khoai tây trong kho của bà Nguyệt đi kiểm
nghiệm.

Kết quả phân tích từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho
thấy, lô khoai tây hồng 26 tấn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể hoạt chất Chlorpyrifos (một hóa chất dùng
để diệt mối) trong mẫu khoai tây vượt ngưỡng gấp 16 lần. Từ kết quả kiểm
nghiệm trên, Chi cục BVTV Lâm Đồng kết luận mẫu khoai tây hồng trên
không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó UBND TP Đà Lạt quyết
định tịch thu tiêu hủy 26 tấn khoai tây hồng này vào ngày 15-6. Chi cục
BVTV Lâm Đồng đang đề nghị Chi cục BVTV TP Hồ Chí Minh đến chợ đầu mối
Thủ Đức lấy mẫu khoai tây vàng do bà Nguyệt đã bán cho các vựa để kiểm
nghiệm phân tích dư lượng thuốc BVTV.

Theo chứng từ, số khoai tây
trên bà Nguyệt nhập về chỉ với giá 3.344 đồng/kg. Hiện nay, khoai tây Đà
Lạt đã hết vụ thu hoạch, nếu có khoai trái vụ sẽ có giá 15.000 đồng/kg,
khoai Đà Lạt dự trữ lâu ngày có giá từ 18.000-22.000 đồng/kg. Do đó,
các tiểu thương ở Đà Lạt mua khoai Trung Quốc với giá 9.000-10.000
đồng/kg, sau đó nhuộm màu đất đỏ để “tái sinh” thành khoai tây Đà Lạt
bán về các tỉnh và TP Hồ Chí Minh với giá từ 15.000 đồng/kg trở lên.

(ANTD)

(Theo Thanhnien)

(vietnamnet.vn)