Chủ nhật, 2/6/2013, 08:23 GMT+7
Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện đặc biệt về hóa thạch của một loài khủng long bị mắc các bệnh về răng miệng.
Loài khủng long có sừng Xenoceratops. Ảnh: LiveScience. |
Phát hiện mới giúp giải mã quá trình hình thành và phát triển của bộ hàm loài bò sát lớn nhất thế giới. Trên thực tế, tác động của hiện tượng bệnh lý sâu răng mới chỉ được đánh giá trên các loài động vật có vú, chứ chưa nghiên cứu nhiều ở các loài bò sát.
Hóa thạch của cá thể khủng long sâu răng đầu tiên được phát hiện từng sống cách đây 190 triệu năm. Tìm thấy năm 2007, hóa thạch này hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Khủng long Lufeng, Trung Quốc. Những phần còn lại của khủng long Sinosaurus phát hiện ở lưu vực sông Lufeng, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc, Mỹ và Canada khẳng định, đây là trường hợp đầu tiên “được xác nhận bệnh lý về răng trong thế giới khủng long”. Không chỉ là phát hiện độc đáo, việc nghiên cứu những chiếc răng sâu còn giúp mở ra “cái nhìn đặc biệt về hành vi, thể chất cũng như quá trình phát triển của loài động vật đã tuyệt chủng”.
Ngoài những chiếc răng sâu, giới cổ sinh vật học còn phát hiện ra bộ hàm của khủng long bị mất một chiếc răng, nhưng lỗ chân răng hoàn toàn bị phủ lấp. Nhóm khoa học dự đoán, đây có thể là cách khủng long tự chữa các khiếm khuyết của cơ thể khi chiếc răng sâu bị rụng khỏi.
Việc chụp X-quang và chụp cắt lớp chiếc răng sâu cho thấy, khả năng tự lấp đầy lỗ chân răng bị rụng cho phép khủng long tiếp tục sinh trưởng và phát triển một thời gian dài sau đó. Dựa vào phát hiện này, các nhà khoa học đang tìm hiểu khả năng tự phục hồi bộ hàm của Sinosaurus, cũng như các loài khủng long thuộc họ theropods, trong đó có khủng long bạo chúa T-rex.
Theo Infonet
(vnexpress.net)