Thành ngữ “Kính lão đắc thọ” rất quen thuộc trong dân gian Việt Nam. Nó thể hiện một truyền thống tốt đẹp về cung kính, lễ phép và tôn trọng người cao tuổi, là một nét đẹp văn hóa. Đức tính khiêm nhường, cung kính không chỉ giúp chúng ta trưởng thành hơn và còn có thể tiếp thu được rất nhiều tri thức quý báu. Sau đây, chúng ta cùng theo dõi một số câu chuyện để hiểu hơn về thành ngữ “kính lão đắc thọ” này nhé.
Một công ty bách hóa đăng báo tuyển dụng nhân viên quản lý. Trong vòng ba ngày có hơn tám mươi người đến ứng tuyển, hầu như ai cũng cầm theo một lá thư giới thiệu. Vị giám đốc phỏng vấn tất cả ứng viên và sau cùng quyết định chọn một chàng thanh niên dù anh ta không có thư giới thiệu. Khi những người khác bày tỏ sự ngạc nhiên, ông giám đốc giải thích: “Những người khác chỉ mang theo một bức thư giới thiệu, nhưng chàng trai này mang theo ba bức thư. Khi bước vào phòng tôi, anh ta nhẹ nhàng đóng cửa; đây là bức thư thứ nhất giới thiệu sự cẩn thận. Trong suốt buổi nói chuyện, giọng anh ta rõ ràng và các câu trả lời đều thứ tự, hợp lý; đó là bức thư thứ hai giới thiệu sự thông minh. Thấy một người lớn tuổi đi vào, anh ta nhanh nhẹn đứng dậy; đó là bức thư thứ ba giới thiệu sự lễ độ. Ba lá thư giới thiệu của anh ấy được biểu hiện ngay trong hành động; còn lá thư của những người khác chỉ được viết trên giấy”.
George Bernard Shaw là một nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh. Ông sanh ra trong gia đình trung lưu nên bị nhiều người thuộc dòng dõi quý tộc coi thường. Có lần ông được mời đến dự dạ hội, một người trẻ tuổi ăn mặc bảnh bao nhìn thấy ông liền ngạo mạn hỏi: “Tôi nghe nói cha ông là thợ may, có đúng thế không?”
Shaw mỉm cười trả lời: “Đúng như ngài nói”. Người đó nói tiếp: “Liệu ông có tính chuyện trở thành thợ may không?”. Mặc dù đây là lời lăng mạ đối với Shaw, ông không hề tỏ chút vẻ giận dữ. Thay vào đó, ông hỏi lại: “Tôi nghe nói cha ngài là một quý ông lịch sự?”. Anh ta trả lời: “Hiển nhiên rồi”. Shaw hỏi: “Liệu ngài có muốn trở thành một người lịch sự như cha ngài không?”. Anh chàng kia không biết kính lão tôn hiền, do đó tự chuốc lấy sự nhục nhã vào thân.
Trái lại, trong thời nhà Hán ở Trung Quốc có một người tên là Trương Lương. Ông thành tựu được sự nghiệp lớn vì biết kính lão tôn hiền. Ngày nọ, ông đi ngang qua cầu. Phía bên kia cầu có một ông lão đang ngồi. Ông lão cố ý ném chiếc giày xuống dưới cầu và nói Trương Lương đi nhặt lên. Ông lão lặp lại hành động đó đến ba lần, và Trương Lương vẫn kiên nhẫn đi nhặt giày ba lần rồi giúp ông lão xỏ giày vào. Vì thế, anh đã được ông lão – chính là Hoàng Thạch Công khen ngợi và thưởng cho một cuốn sách. Nhờ cuốn sách quý này, ông làm quân sư giúp Lưu Bang thắng nhiều trận đánh, sau trở thành một trong ba đại khai quốc công thần của Hán Triều.
Từ những câu chuyện trên, ta có thể thấy người có đạo đức học thức thì càng kính trọng người già và tôn quý người hiền tài, sau này anh ta càng thành tựu. Ngược lại, người nông cạn không có học thức, anh ta càng ngạo mạn và kết cục có thể hứng chịu nhục nhã. Chúng ta luôn giữ tâm cẩn trọng, cung kính và từ bi khi đối nhân xử thế thì mới thật sự làm lợi ích cho người khác và cho chính bản thân mình. Nếu chúng ta tuổi nhỏ chưa hiểu biết nhiều, tất nhiên phải kính lão tôn hiền. Nếu chúng ta có một vài thành tựu thì vẫn phải nhún nhường, không nên phô trương. Đức tính cung kính, khiêm nhường, kính trọng người lớn tuổi sẽ giúp chúng ta học hỏi thêm nhiều điều hay.
(Sưu tầm từ Internet)