Mạnh Tử đề xuất quân tử cần phải “nhân ái với dân thương yêu muôn vật”, cho rằng mỗi cá nhân đều có đủ bản tính lương thiện và phẩm hạnh tốt đẹp, nếu như có thể giữ gìn lòng thiện và cố gắng nâng cao sự tu dưỡng của bản thân, thì như thế “mỗi người đều có thể như Nghiêu Thuấn”. Mạnh Tử cả đời vững tin vào chân lý, có trí tuệ dồi dào, giỏi trình bày và phân tích lý luận triết học. Ông kiên định khích lệ người ta làm điều thiện, lời nói nào cũng có tinh thần cổ vũ và dẫn dắt người ta.
Mạnh Tử 2 lần tới nước Tề khuyên vua Tề thực hiện một nền chính trị nhân từ, nhưng không được chấp thuận. Khi Mạnh Tử rời khỏi nước Tề lần thứ 2, thì Doãn Sỹ người nước Tề nói với học trò Cao Tử của Mạnh Tử rằng: “Không biết rằng Tề vương không thể trở thành vị vua anh minh như Thương Thang Vương, Chu Vũ Vương, đó là không sáng suốt. Biết Tề vương không có năng lực, mà vẫn đến nước Tề, đó nhất định là để cầu lợi lộc. Đường xa ngàn dặm, tới gặp vua Tề nói không được bèn đi, nhưng nán lại ở 3 đêm mới rời khỏi nhà khách, vì sao trì hoãn lâu thế? Tôi rất không thích Mạnh Tử ở điểm này”. Cao Tử kể chuyện này với Mạnh Tử.
Mạnh Tử nói: “Doãn Sỹ sao biết được ta nghĩ gì? Ngàn dặm xa xôi tới nước Tề để trình bày đạo làm vua, đó là ta tự nguyện làm như thế. Khuyên can không được mà rời đi, không thấy đó cũng là ta tự nguyện hay sao? Ta là bất đắc dĩ đó thôi. Ta ở 3 đêm mới rời khỏi nhà khách, tại vì trong lòng ta cảm giác như thế quá vội vàng. Ta nghĩ thầm nếu Tề vương thay đổi thái độ và triệu mời ta quay lại, thì ta nhất định lợi dụng thật tốt cơ hội ấy. Đến khi ta rời khỏi nhà khách rồi, vua Tề vẫn không phái người đến, lúc đó ta mới dứt khoát ra đi. Ta mặc dù làm như thế, nhưng chẳng lẽ lại vứt bỏ vua Tề hay sao? Vua Tề vẫn hoàn toàn có thể làm việc chính sự tốt đẹp. Tề vương nếu làm việc thiện chính, đâu phải chỉ là nhân dân nước Tề được hưởng an bình, mà nhân dân khắp thiên hạ đều có thể được hưởng thanh bình. Vua Tề có lẽ sẽ thay đổi thái độ đó! Mỗi ngày ta đều luôn kỳ vọng ông ta sẽ thay đổi! Chẳng lẽ đó lại là phong thái hẹp hòi của phường tiểu nhân hay sao? Khuyên can vua không được thì nổi giận đùng đùng, vẻ mặt bất mãn, rồi khi rời đi cũng phải dốc hết sức lực chạy cho nhanh suốt một ngày, sau đó mới dừng nghỉ trọ chắc?”.
Doãn Sỹ nghe xong những lời ấy, nói: “Tôi thật sự là đồ tiểu nhân rồi”.
Mạnh Tử nghe nói vua Tề muốn dùng vũ lực để chinh phục thiên hạ, bèn tới nước Tề lần thứ 3. Đây là lần thứ 2 ông trình bày với vua Tề về đạo làm vua, cuối cùng khiến vua Tề hoàn toàn bái phục mà buông bỏ vũ lực để lựa chọn thi hành một nền chính trị nhân từ. Ông đã ngăn cản được họa chiến tranh suýt nữa phát sinh, giúp người dân được sống cảnh hòa bình, nước Tề được an ninh và trật tự.
Mạnh Tử chu du các nước, tuyên dương đạo đức và chủ trương thực thi nền nhân chính. Ông nói với học trò: “Nếu yêu quý người khác mà người khác không chịu gần gũi, thì đầu tiên phải tự hỏi mình, xem có phải lòng nhân ái của mình không đủ? Nếu như khuyên can người khác mà không thành công, thì cũng cần tự hỏi xem phải chăng trí tuệ của mình không đủ? Nếu đối đãi lễ phép với người ta nhưng không được hồi đáp tương xứng, thì cần tự hỏi lại mình, xem có phải ta không đủ chân thành? Khi việc làm của ta không được đối phương trả lời xứng đáng, thì chớ oán giận người ta, mà trước tiên nên tự hỏi, tự tìm xem nguyên nhân ở bản thân mình”.
Khi học trò hỏi Mạnh Tử làm sao có thể đúng mực, không sợ quyền quý. Mạnh Tử trả lời: “Họ ỷ giàu, ta có Nhân. Họ có tước, ta dùng Nghĩa. Việc gì phải khó chịu?”.
Mạnh Tử cho rằng, sự khác biệt của mọi người không phải là ở chỗ giàu sang hay nghèo hèn, mà ở chỗ có thể giữ gìn đạo đức cao thượng hay không, có thể “ngẩng mặt không thẹn với Trời, cúi đầu không hổ với người ta” hay không. Trở về với bản tính lương thiện trời cho, chúng ta mới có thể không bị mê hoặc bởi lợi ích vật chất. Những điều đó đòi hỏi chúng ta phải có chí và kiên trì bền bỉ.
Trí Minh
Dịch từ clearwisdom.net