Tinh Hoa

Vẫn còn một sợi dây

Tôi khá phân vân khi được đặt viết về xung đột thế hệ, bởi đây là chuyện lớn, khó gói trong ngàn chữ. Nhưng vì “vấn nạn to tướng” – tiếng kêu thống thiết của một bà mẹ trẻ – tôi mạo muội chia sẻ…

1. Tôi đọc đâu đó tâm sự của đứa con, rằng những lần em đau mẹ em rất nâng niu: nghỉ việc, nấu món em thích, kêu bác sĩ, đưa em đi viện… Nhưng khi em suy sụp vì điểm kém, chia tay bạn trai, vì những bất công trong gia đình, xã hội… thì mẹ cáu gắt, giễu cợt. Em kể bạn em trước khi tự tử bị rối loạn tiêu hóa, rằng gia đình mua cho bạn ấy cơ man thuốc, nhưng tim bạn ấy tan vỡ thì không ai nhìn thấy…

Hai năm trước cô bé tội phạm Đào Thu Hương 14 tuổi với biệt danh My sói khiến dư luận kinh hãi, nhưng tác giả Đinh Hiền trong bài “Nữ quái My sói trút tâm sự vào… thơ” cho ta hình ảnh khác: “Nó tết hai chữ Cô Đơn trên chiếc nhẫn tự làm bằng mảnh nilon rách. Một đứa trẻ chợt nhận ra mình cô đơn giữa thế giới này, hẳn đứa trẻ ấy có nhiều uẩn ức…”. Tác giả khiến ta thở hắt khi chép lại những vần thơ Hương viết trong trại: “Vạn lý vạn ly chia ly. Nhan hồng bạc phận biết về đâu. Nữ sinh cao quý giờ lao lý. Tim hồng nhỏ máu lòng quặn đau…” Trong cái gãy vụn của ngôn ngữ là cái vỡ vụn của tâm hồn. Bài báo kể Hương viết cho bố mẹ: “Con rất muốn được sà vào lòng bố mẹ, để được ôm hôn và nói những lời ngọt ngào với bố mẹ. Hôm qua trời mưa to, con gửi lời vào gió nhắn đến cho bố mẹ những lời an lành nhất…”. Nhưng cái gia đình đó, như lời My sói trên một bài báo khác: “Bố mẹ con bỏ nhau từ lúc con mới ra đời. Họ lấy vợ, lấy chồng và có con riêng. Hoàn cảnh như thế, cô bảo con biết nương tựa vào đâu? Dù bố là người cho tiền con đóng học phí, nhưng nói thật con không biết bố làm nghề gì. Thỉnh thoảng gặp mẹ, con chỉ biết mẹ sống bằng ‘nghề’ cờ bạc (…). Con thấy mình hư hỏng, nhưng đã bước đi rồi thì không dừng lại được. Có lúc con thèm một bàn tay cứu rỗi…”

2. Vốn nghiêm khắc nên thi thoảng tôi cũng khẻ tay, bắt con quỳ gối khi cháu nhỏ. Năm cháu sáu tuổi, vì một lỗi lớn, tôi cầm roi quát con: “Nằm xuống!”. Cháu ngơ ngác, nằm… ngửa. Tôi nín cười, kêu cháu úp sấp, quất một roi đích đáng. Con tôi, sau khi hiểu ra hình phạt mới đã ngồi bật lên, khóc nấc: “Sao mẹ muốn con đau?” Đó là lần duy nhất tôi đánh con… bài bản – cái hình phạt mà thế hệ chúng tôi chịu rất thường xuyên, nhưng không dám bật lên, dù dáng hay lời. Thế hệ mẹ tôi nói họ còn bị đòn nặng hơn, phải quỳ cả trên vỏ mít… Vào những lúc vui tươi, tôi kể hết con nghe, nói nhờ vậy mà chúng tôi thành nhân. Tôi thật sự tin điều đó, nhưng là thời xưa, chứ không phải thời này – thời hiện đại, trẻ con hiểu biết.

Khoa học nói đời người phải trải qua vài lần khủng hoảng, trong đó khủng hoảng tuổi dậy thì quan trọng nhất. Do biến động nội tiết, trẻ dậy thì thường có những thay đổi tâm lý lớn, dẫn theo những biến động trong hành xử, mà biểu hiện rõ nhất là khao khát độc lập. Ai cũng trải qua giai đoạn “bùng nổ” này, có điều các thế hệ trước không… nổ lớn vì luân lý khắc nghiệt, xã hội không tạo thêm bất mãn. Hãy đối diện thực tế như tiến trình tự nhiên thay vì quy chiếu đạo đức. Hãy chia sẻ thay vì trừng trị, bêu riếu mà hậu quả là đẩy trẻ xa ta, sống gian dối. Hãy chấp nhận tuột tay vài tiểu tiết để nắm được cái lớn hơn. Hãy nhớ con người, dù tuổi nào cũng thích được lắng nghe, khích lệ. Tôi năm xưa cũng có nhiều uẩn ức với mẹ, nhưng khi biết bà cưng quý “tạp chí văn” con nít của tôi, thì mọi phiền muộn trong tôi hóa giải. Tôi ghi khắc điều đó và đem ứng xử với con.

3. Nhà tôi hay dùng với nhau từ “biết điều”, rằng mỗi người có thế giới riêng chính đáng, nhưng phải biết chỗ dừng để không hư cái chung, không làm đau người khác. Một lần tôi khen vui con ngoan, không khủng hoảng dậy thì. Cháu cười, “Có chứ, nhưng tại con… biết điều”. Biết điều – hợp lý, cảm thông – theo tôi là liệu pháp dung hòa sự khác nhau giữa các thế hệ. Không lâu sau lần… nằm ngửa, tôi thủ thỉ với đứa con cách mình… 41 tuổi: “Mẹ xin lỗi đã làm con đau. Mẹ không đánh con nữa nhưng không có nghĩa mẹ thôi buồn giận. Cất giận vào tim là mẹ tự đánh mẹ. Con có muốn mẹ đau không?” Bé nhìn tôi khá lâu, từ đó cháu thay đổi hẳn.

Xin lỗi luôn khó, đặc biệt với người lớn; nhưng chỉ khi nói ra được điều nuối tiếc – như bài viết “Ngày thứ 100” của bạn tôi – Tố Nga – thì mâu thuẫn mới hóa giải: “(…) Thương con 99 ngày, đến ngày thứ 100, không kiềm chế được, tôi đánh con. Cái ngày thứ 100 ấy sẽ là ngày duy nhất lưu lại trong tâm trí trẻ thơ (…)” Con tôi nay đã 40, rất tự hào về hai đứa con xinh xắn của mình. Mới đây, trong câu chuyện vui, người mẹ trẻ khoe đã dùng những điều được mẹ dạy khi xưa để dạy lại con. Và nói thêm: “Con đã từng bị đối xử bất công nên con không bao giờ bất công với con của con đâu”. Câu nói như mũi dao xoáy vào tim mẹ… Tôi đã từng dùng cuộc đời mình trải thảm cho con bước đi, từng hy sinh những năm tháng còn có thể hạnh phúc riêng để chuộc lỗi với con, nhưng vô ích. Con tôi không thể quên.”

Con cái ta có hướng thiện không? Có. Miễn là ta biết khơi gợi. Như mọi đứa trẻ, con tôi hay bừa bộn. Có lần tôi hỏi cháu, nếu ai cũng bầy hầy như con, thì nhà mình giống cái gì? Cháu cười: Giống… bãi rác. Từ đó cháu ngăn nắp hơn. Thử giả định hoàn cảnh, thử đổi vai nhau… cũng là một liệu pháp.

4. Như đề tựa, tôi tin trong đứt gãy thế hệ vẫn còn sợi dây kết nối mang tên đạo đức. Trong bài “Con của người tu” tôi đã viết: “(…) Những ký ức hỗn độn cứ trôi qua đầu nó, để nó hiểu mẹ đã tu từ lâu trong hành xử cuộc đời mà chiếc áo ni cô hôm nay, những kinh kệ hôm nay chỉ là khẳng định. Nó nhìn lại bức ảnh ni cô xa lạ mà thân thuộc, hiểu rằng từ nay, nó, chị em nó, những dâu, rể, ruột rà cháu chắt… sẽ sống bằng tâm thế khác – tâm thế của cháu con một kẻ tu hành.”

Tôi kính mẹ, tin có sợi dây nối từ ông bà sang cha mẹ tôi, từ cha mẹ sang tôi… Con gái tôi rất yêu ông nội. Năm ông mất (2011) nó 18 tuổi. Đứa con hiện đại, sinh trưởng bên Tây không phải lúc nào cũng làm tôi thỏa mãn, đã viết trong sổ tang – và tự dịch sang tiếng Việt – như vầy: “Ông nội ơi, ông nội hứa lúc ngày sinh nhật con, là sẽ chờ đến khi con được tú tài. Không ai tin, vì ông đã yếu, nhưng ông giữ lời hứa. Chúng ta đã sống cùng nhau 18 năm như ông nội muốn. Con thường nói về ông nội với bạn bè con: Bạn có biết không, ông nội của tôi 100 tuổi, mạnh khỏe, đi đứng được, nói chuyện được. Mùa hè qua ở Việt Nam, con đã đi thăm đập nước, đình, trường học ông Trai xây dựng. Con rất tự hào là cháu nội của luật sư Trần Văn Trai. Ông nội ơi, con sẽ không thể nào bằng ông nội, nhưng con hứa với ông con sẽ học đàng hoàng và thi vô trường tốt. Con muốn ông nội tự hào về con, đứa cháu nội duy nhất của ông. Con nhớ ông nội…”

Giữa 18 và 100 là 82 năm, vậy mà sao đứa cháu vẫn yêu ông thắm thiết? Vì giữa họ có sợi dây kết nối. Trừ ngoại lệ, thế hệ sau luôn là quả của thế hệ đi trước.

(Theo Việt Linh/ Đẹp)

(vietnamnet.vn)