Tinh Hoa

Trung Quốc: Muốn tốt cũng phải có… võ!

Vì sợ bị vạ lây, cô gái đã thận trọng chụp lại hình ảnh bà cụ đau đớn nằm trên đường trước khi ra tay cứu giúp.

 

“Tối hôm đó, tình cờ gặp một cụ già nằm trên đường, miệng kêu cứu, tôi đắn đo một hồi rồi quyết định gọi cấp cứu 120, nhưng không lại gần đỡ bà cụ vì sợ bị lừa. Tôi đứng chờ nhân viên cấp cứu tới, sau đó, tôi dùng máy ảnh chụp lại quá trình sự việc vì sợ bị vạ lây…”

 


Câu chuyện “giúp người rồi chụp ảnh làm chứng” đăng trên mạng với bút danh Tử Nguyệt lúc 13h56’ ngày 10/11 đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc dậy làn sóng bình luận mới.

Chụp ảnh để… phòng thân

Theo bài viết kể lại, khoảng 19h30’ ngày 2/11, sau khi mua vé tàu cho chị gái, nhân vật chính đã tình cờ phát hiện một bà lão nằm trong ngõ hẻm gần ga Trường Xuân (Cát Lâm, Trung Quốc). Khi đó, cô đang nói chuyện điện thoại với mẹ, mẹ cô cảnh báo cẩn thận kẻo bị lừa, nên cô không dám lại gần chỗ bà cụ nằm mà chỉ dám gọi cấp cứu 120, rồi đứng đợi nhân viên cấp cứu đến… Cô gái cũng cho biết, bà lão còn hỏi tên cô để cảm ơn, nhưng cô cũng không nói.

 

Bức ảnh do chủ nhân blog chụp để làm chứng cứ

 

Tối qua (14/11), phóng viên tờ Tân Văn Hóa đã liên lạc với tác giả của bài viết trên mạng. Tử Nguyệt tên thật là Lâm Dược, 23 tuổi, trọ ở gần nhà ga.

Tiểu Dược thuật lại:“Tối hôm đó, sau khi mua vé tàu cho chị gái, tôi tới gần một ngõ hẻm Tây Kiều gọi điện về cho mẹ thì thấy một bà lão nằm trên đường, thoi thóp kêu cứu: Cháu gái, bà bị ngã… cháu giúp bà gọi điện cấp cứu 120 được không?

Khi đó, có rất nhiều người qua đường, nhưng không ai chịu giúp cụ gọi điện cấp cứu, lẽ nào họ cũng sợ bị vạ lây như tôi… Những lời bà cụ nói với tôi, mẹ tôi đều nghe rõ qua điện thoại, mẹ nhắc nhở tôi cẩn thận bị lừa đảo.Tôi đáp lại: Trong 10 người kêu cứu sẽ có 1 người không phải lừa đảo, con có thể nhận ra điều đó mẹ ạ. Mẹ yên tâm nhé!

Được mẹ tán thành, tôi đã cúp máy và gọi ngay cho cấp cứu 120.”

Khi phóng viên thắc mắc tại sao cô không đỡ cụ già dậy mà còn chụp ảnh, Tiểu Dược bất đắc dĩ nói:“Thấy cụ già ngã trên đường, tôi rất sợ hãi. Khi các nhân viên cấp cứu 120 đến, họ cũng khuyên tôi không nên động vào cụ, có thể sẽ bị vu oan hay bị lừa.”

Thấy một bà lão nằm chết lặng trong ngõ hẻm, tôi cũng sợ bị lừa lắm chứ, ngay cả khi bà lão hỏi tên để cảm ơn tôi, tôi cũng không nói, nhưng thấy bà lão đau đớn nằm trên đất, tôi thực không đành lòng… Chụp ảnh chỉ là biện pháp phòng thân bất đắc dĩ thôi”.

Phóng viên dồn tiếp: “Vậy tại sao cô còn viết và đăng câu chuyện này, lẽ nào không thấy xấu hổ về hành vi của mình?”

Tiểu Dược ngập ngừng: “Sau sự việc đó, tôi vẫn băn khoăn lắm, tuy là tôi đã giúp bà cụ gọi cấp cứu 120, nhưng thấy bà lão đau đớn nằm trên đường kêu cứu mà tôi vẫn thản nhiên chụp ảnh liệu có nhẫn tâm không? Không biết việc mình đã làm làm đúng hay sai nữa, cho nên tôi mới chia sẻ câu chuyện có thật này.”

Bà lão gặp nạn bây giờ ra sao?

Cùng ngày 14/11, Trung tâm cấp cứu Trường Xuân cho hay, bà lão đã xuất viện sau nhiều ngày điều trị. Theo lời kể của nhân viên cấp cứu, bà lão sống một mình, không có họ hàng thân thích, khi nhập viện không đăng ký tên họ, cũng không thấy ai tới thăm, bệnh viện lại không biết địa chỉ của cụ.

Tiểu Dược biết tin nói: “Hôm đó, dù rất đau, nhưng bà lão cũng không cho tôi gọi người thân của bà, lúc đó, tôi cũng đoán được phần nào bà cụ sống một thân một mình“. Cô còn khẳng định, nếu bà cụ có hoàn cảnh khó khăn, cô sẽ giúp bà tìm một công việc.

Câu chuyện không có gì đáng ồn ào, nhưng lại làm cho dư luận Trung Quốc hoang mang khi căn bệnh sợ “vạ lây” đã hằn sâu trong tâm thức mỗi người. Hẳn không phải bỗng dưng họ trở nên vô tâm, hờ hững với những mảnh đời ngang trái ngay trong xã hội của mình, có khi chỉ vì quá sợ hãi, sợ bị vu oan, sợ bị chỉ trích… nên đã tạm thời gạt lòng trắc ẩn qua một bên.

Cư dân mạng nói rằng, nếu chính phủ Trung Quốc không thực sự thay đổi, bổ sung các điều luật cứu người bị vu oan thì xã hội Trung Quốc chẳng mấy chốc sẽ biến thành một xã hội coi rẻ đạo đức nơi mà con người sống với nhau theo kiểu “máu lạnh”.

Đỗ Hường
theo vietbao