Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một hành tinh được chiếu sáng bởi 4 mặt trời khác nhau, trường hợp hi hữu nhất từ trước đến nay trong vũ trụ.
Hành tinh xa xôi này quay xung quanh 2 ngôi sao đồng thời có 2 ngôi sao khác xoay quanh, chính vì thế nó được chiếu sáng đồng thời bởi 4 mặt trời.
Khám phá thú vị này được thực hiện bởi các tình nguyện viên trên website Planethunters.org cùng với đội ngũ chuyên gia đến từ Mỹ và Anh, dựa trên những kết quả quan sát từ đài thiên văn Keck ở Hawaii, Mỹ.
Hành tinh này được đặt tên là PH1, theo trang web Planet Hunters, nó cách Trái đất 5.000 năm ánh sáng. PH1 có cấu tạo là một khối khí khổng lồ, lớn hơn một chút so với Sao Hải vương của hệ Mặt trời và kích thước gấp 6 lần Trái đất.
Tiến sĩ Chris Lintott của Đại học Oxford nói: “Mặc dù chịu lực hấp dẫn phức tạp từ 4 ngôi sao khác nhau nhưng PH1 vẫn có quỹ đạo rất ổn định. Điều này thực sự khó hiểu và khiến tất cả các nhà khoa học bất ngờ khi phát hiện ra nó”.
Hành tinh khí khổng lồ PH1 (to nhất) có kích thước gấp 6 lần Trái đất |
Hệ thống sao kép không phải là hiếm trong vũ trụ, các nhà khoa học đã tìm thấy một vài hành tinh quay xung quanh hệ thống sao kép bên ngoài hệ Mặt trời. Tuy nhiên, việc vừa quay quanh sao kép vừa bị sao kép quay quanh thì chưa bao giờ từng xuất hiện.
Giải thích về việc PH1 vẫn có quỹ đạo ổn định mặc dù phải chịu lực hấp dẫn phức tạp, Tiến sĩ Lintott cho biết: “Trong hệ sao kép này còn có 6 hành tinh khác và chúng khá gần nhau. PH1 có thể được hình thành từ những khối khí từ thời kì sơ khai và nó đã tự tìm được quỹ đạo ổn định trước khi phát triển thành hành tinh hoàn chỉnh”.
2 tình nguyện viên có công phát hiện ra PH1 trên website Planethunters.org là Kian Jek ở San Francisco và Robert Gagliano đến từ Cottonwood, Arizona.
Đài thiên văn Keck ở Hawaii, Mỹ |
Họ đã phát hiện ra những đốm mờ khi PH1 xoay quanh các ngôi sao chính của mình, từ đó kết hợp với các nhà thiên văn học để xác nhận thông tin về hành tinh kì lạ này bằng Đài thiên văn Keck ở Mauna Kea, Hawaii.
Thành lập năm 2010, Planethunters.org là nơi chứa dữ liệu chụp vũ trụ từ kính viễn vọng không gian Kepler của NASA. Những người truy cập vào trang web này sẽ được cung cấp những bức ảnh ngẫu nghiên đã được Kepler ghi lại và tìm ra những điểm bất thường đến đó.
Các tình nguyện viên sẽ đánh giấu lại những điểm mà ánh sáng của các hành tinh có dấu hiệu đang đi qua ngôi sao chính, từ đó các nhà khoa học sẽ dùng kính thiên văn chuyên dụng để xác nhận lại thông tin.
Từ tháng 9/2010 đến nay đã có 170.000 người truy cập vào Planethunters.org để cùng các nhà khoa học tìm kiếm những hành tinh tương tự Trái đất ở bên ngoài vũ trụ.
Tùng Đinh
(vtc.vn)