Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang làm lu mờ một hiểm họa khác nguy hại không kém và đó là hiểm họa sóng thần có thể cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng.
Một trong những người sống sót trong trận động đất sóng thần ở Đông Nam Á năm 2004. Ảnh wisdomquarterly.com |
Nguy cơ xảy ra sóng thần ở Biển Đông là có thực và các nước ven Biển Đông cần cấp bách chuẩn bị các biện pháp phòng chống hữu hiệu để giảm bớt thiệt hại về người và của.
Nguy cơ này đã được thể hiện trong trận động đất mạnh 7,6 độ Richter xảy ra hôm 31/8/2012. Trận động đất này đã làm rung chuyển nhiều thành phố ven biển ở miền Nam Philippines. Mặc dù tâm chấn không nằm trong các khu vực tranh chấp, nó có thể là một thử nghiệm đối với phản ứng của các nước và các cộng đồng ven biển Biển Đông trước nguy cơ sóng thần. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii đã đưa ra một cảnh báo sóng thần cho các nước có khả năng bị ảnh hưởng, bao gồm Indonessia và Philippines.
Rãnh Manila ở Biển Đông được Trung Quốc sử dụng như một giới hạn tuyên bố lãnh thổ của họ, điều mà phía Philippines cực lực phản đối. Đối với Indonessia, rãnh Manila là một trong những nguồn gốc gây ra sóng thần. Đáng tiếc là tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở biển Hoa Đông và Biển Đông đang làm lu mờ hiểm họa và cản trở các biện phải giảm thiểu tác hại của sóng thần.
Tranh chấp Biển Đông đã bước vào một giai đoạn mới sau khi Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh hồi tháng 7/2012 không dẫn đến một thỏa thuận giữa các quốc gia đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Nhiều học giả cho rằng tranh chấp Biển Đông sẽ nổi lên thành nguyên nhân tiềm tàng lớn nhất dẫn đến xung đột trong khu vực.
Ngoài tranh chấp lãnh thổ, khu vực Biển Đông còn tiềm ẩn những cơn bão cực mạnh và những trận động đất lớn có thể gây ra sóng thần. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào mà các nước ven Biển Đông có thể đối phó hữu hiệu với nguy cơ sóng thần, khi mà họ dồn hết tâm sức vào vấn đề tranh chấp biển đảo?
Nguồn có thể gây ra sóng thần nguy hại nhất ở Biển Đông là khu vực đảo Luzon của Philippines. Các nhà khoa học đã đặt tên cho khu vực này là rãnh Manila, một rãnh đứt gãy dưới đáy biển trải dài 1.500 km. Đây là nơi có thể xảy ra những trận động đất cực mạnh không kém gì trận động đất-sóng thần từng tàn phá tỉnh Aceh của Indonesia năm 2004.
Rãnh Manila chính là nơi mảng lục địa Âu-Á va chạm với mảng lục địa Philippines. Trong hơn 100 năm qua, ở khu vực này đã không xảy ra trận động đất nào có cường độ lớn hơn 7,6 độ Richter. Chính điều này lại khiến cho các nhà nghiên cứu động đất-sóng thần e ngại. Rãnh Manila đã tích tụ năng lượng gần 5 thế kỷ và có thể giải tỏa khối năng lượng khổng lồ được tích tụ này vào bất cứ lúc nào. Đáng tiếc là một phần của rãnh đứt gãy cực kỳ nguy hiểm này lại là nơi xảy ra tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines.
Nếu giới nghiên cứu của hai nước chỉ bận tâm với việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, công cuộc nghiên cứu về nguy cơ động đất-sóng thần ở Biển Đông sẽ bị gián đoạn, xao nhãng.
So với Trung Quốc, Philippines dễ bị tổn thương hơn bởi động đất-sóng thần vì nó nước này nằm gần rãnh Manila hơn. Sóng thần sẽ tràn vào Philippines sớm hơn tất cả các quốc gia khác ở ven Biển Đông. Nếu xảy ra một trận động đất cực lớn ở rãnh Manila, điều này có thể tạo ra sóng thần gây hại cho Singapore, Trung Quốc lục địa, Malaysia, Việt Nam, Campuchia và một phần lãnh thổ Thái Lan.
Biển Đông có thể là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới, xảy ra nhiều thiên tai. Xuất phát từ những bằng chứng về địa chất, nhà nghiên cứu Philip Liu (Cornell University) cho rằng nguy cơ sóng thần ở Biển Đông là có thực, nhãn tiền. Trong những năm qua, các nhà khoa học Philippines đã tiến hành nhiều cuộc khảo cứu nguy cơ này. Việc chuẩn bị chu đáo cho các cộng đồng trong việc phòng chống thiên tai chính là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tổn thất.
Sau khi đã nhận thức rằng sóng thần và các thảm họa trên biển khác có thể gây hại nghiêm trọng cho các nước ven Biển Đông, cam kết ưu tiên cho lĩnh vực nhân đạo của các nước tranh chấp biển đảo là vô cùng cần thiết. Cam kết này bao gồm việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cộng đồng dân cư ven biển cũng như các hệ thống cảnh báo sớm để giảm thiểu rủi ro./.
Minh Châu (theo Jakarta Post)