Các chuyên gia Mỹ đang lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện ngày càng nhiều của ong “thây ma” – những con ong bị nhiễm ký sinh trùng, khiến chúng rời tổ vào ban đêm và bay loạng choạng cho tới khi chết.
Trang Daily Mail đưa tin, một người nuôi ong ở Seattle mới đây đã phát hiện trường hợp ong “thây ma” được xác thực đầu tiên ở bang Washington. Điều này cho thấy phạm vi ảnh hưởng của hiện tượng bất thường này đã lan rộng kể từ khi nhà sinh vật học John Hafernik thuộc trường Đại học San Francisco khám phá ra nó năm 2008.
|
Vòng đời của ruồi ký sinh gây ong “thây ma’’ ở Mỹ. Ảnh: Daily Mail |
Trước bang Washington, người ta cũng đã ghi nhận các trường hợp ong “thây ma” xuất hiện ở bang Oregon và bang South Dakota của Mỹ.
Không giống các con ong khỏe mạnh vốn thường nhốt mình trong tổ vào ban đêm, những con ong bị ruồi ký sinh sẽ rời tổ khi trời nhá nhem tối và có xu hướng tụ về phía ánh sáng. Người nuôi ong ở Seattle cho biết, anh đã nhìn thấy những con ong “thây ma” vo ve quanh đèn trong cửa hàng của mình, bay loạng choạng và cuối cùng rơi xuống sàn nhà.
Các mẫu xét nghiệm ong chết cho thấy, chúng có nhộng của loài ruồi ký sinh Apocephalus borealis trong cơ thể.
Theo báo Seattle Times, vòng đời của ruồi gây ong “thây ma” gợi nhớ về những gì được khắc họa trong bộ phim “Alien” (Người ngoài hành tinh). Một con ruồi cái trưởng thành, bé nhỏ sẽ đậu trên lưng của một con ong mật và tiêm trứng của nó vào bụng của con ong. Trứng ruồi sau đó ấp nở thành giòi.
“Về cơ bản, chúng (những con giòi) ăn từ trong ra ngoài con ong”, nhà sinh vật học Hafernik nói.
Sau khi nhấm nháp dần vật chủ, các con giòi phát triển thành nhộng với một lớp vỏ cứng bao phủ bên ngoài, trông giống như một hạt gạo lớn màu nâu. Ruồi trưởng thành sẽ chui ra khỏi lớp kén trong vòng 3 – 4 tuần.
Hiện vẫn chưa có các bằng chứng cho thấy ruồi ký sinh là tác nhân chính, gây sụt giảm số lượng ong ở Mỹ trong trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, giới khoa học dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự lan rộng của hiện tượng ong “thây ma” – một yếu tố đe dọa mùa màng vốn phụ thuộc vào sự thụ phấn của côn trùng như ong.
Nhà sinh vật học Hafernik hiện đã lập ra trang web ZombeeWatch.org nhằm tuyển dụng một mạng lưới cộng tác viên giúp xác định mức độ lan rộng của hiện tượng ong “thây ma” cũng như ảnh hưởng của nó tới các đàn ong trên khắp nước Mỹ.
Tuấn Anh
(vietnamnet.vn)