– Bị một con côn trùng cắn khi đang làm vườn, ông N đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng, khó thở nhiều, sưng tấy vết thương ở chân…
Một bệnh nhân bị côn trùng cắn |
Ngày 11/9, các bác sỹ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.N., (49 tuổi, trú tại TP. Đồng Hới) trong tình trạng nhiễm độc rất nặng do bị côn trùng cắn.
Ông N nhập viện khi người đã lơ mơ, khó thở, cổ chân trái sưng tấy, đỏ và có dấu hiệu bị nhiễm trùng nặng, tính mạng rất nguy kịch. Sau khi được xử trí cấp cứu và điều trị kịp thời, ông N đã qua cơn nguy kịch.
Người nhà ông N cho biết, trước đó trong khi ra làm vườn thì ông bị một con côn trùng cắn vào chân nhưng không rõ loài gì. Lúc đầu chỉ cảm thấy đau rát nhẹ nên chủ quan, cứ nghĩ là bình thường. Nhưng vài giờ đồng hồ sau vết thương lớn dần và tấy đỏ, đau rát với mức độ nhiều hơn kèm các biểu hiện tức ngực, khó thở nên người thân nhanh chóng đem ông đi nhập viện cấp cứu.
Các bác sỹ bệnh viện này cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch do côn trùng cắn. Như trường hợp ông H.R., (63 tuổi, trú TP. Đồng Hới) nhập viện trong tình trạng tính mạng nguy kịch vì ong đốt với gần 40 nốt trên cơ thể…
Nguy hiểm khi bị côn trùng cắn
Theo các bác sỹ thì khi bị các loại côn trùng cắn như kiến, nhện, ve, bọ chét, rệp… phản ứng tự nhiên của cơ thể là tình trạng ngứa ngáy dữ dội ở nơi bị cắn, nổi hồng ban và sưng phù, nổi mụn nước, các nốt dạng hạch lympho…
Thông thường các vị trí tổn thương trên sẽ giảm dần và khỏi sau một ngày. Tuy nhiên một số côn trùng có nọc độc nguy hiểm như ong, kiến, nhện… sẽ gây ra sốc phản vệ cho người bị cắn và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời.
Về cách xử trí, các bác sỹ cho biết tương ứng với mỗi loài côn trùng sẽ có cách xử trí khác nhau.Khi bị ruồi, muỗi, kiến đốt cần sát trùng vết đốt bằng cách rửa kỹ bằng xà phòng, sau đó có thể dùng đá lạnh chườm lên da khoảng 5 phút.
Đối với bọ chét, chấy rận, ve chó… thì khi cắn các loài này thường bám chặt vào da, do vậy người bị cắn cần kéo từ từ con côn trùng ra khỏi da để răng chúng không sót lại ở chỗ cắn và rửa sạch vết cắn bằng xà phòng.
Trường hợp bị ong vò vẽ đốt, nọc độc ong vò vẽ rất nguy hiểm đến tính mạng nên nạn nhân cần rửa các vết đốt bằng xà phòng hoặc chất kiềm nhẹ rồi chườm lạnh và hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí kịp thời…
Không chủ quan với côn trùng…
Theo các bác sỹ khoa Cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, họ đã cấp cứu nhiều trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong vì chủ quan sau khi bị côn trùng cắn.
Vì vậy, sau khi bị côn trùng cắn mà chưa biết loại gì nhưng có các biểu hiện như đau rát nhiều, vị trí vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, người khó thở, hoa mắt chóng mặt, đau họng… cần nhanh chóng nhập viện cấp cứu, tuyệt đối không chủ quan tự điều trị ở nhà.
Theo khuyến cáo, thời gian này đang là giai đoạn chuyển mùa nên các loài côn trùng phát triển mạnh. Vì vậy để phòng tránh bị các loài côn trùng cắn chúng ta cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh nhà cửa, thường xuyên phun thuốc diệt muỗi, diệt côn trùng ở những vị trí nhiều cây, kênh mương, ao hồ ở gần nhà ở.
Khi vào rừng hay làm vườn cần mặc quần áo dài tay, đi giầy, ủng … để tránh côn trùng cắn ở những vùng da không được bảo vệ.
Tâm Huyền
(vtc.vn)