Tinh Hoa

Tìm lại giấc ngủ ngon

Với tình trạng vật giá leo thang, tiền làm ra khó nhưng tiêu rất dễ, nhiều người thường dễ bị mất ngủ. Tối làm việc đến khuya, lưng đặt xuống giường nhưng đầu óc vẫn còn nặng trĩu những công việc dang dở… Tất cả những suy nghĩ đó làm cho giấc ngủ khó đến và nếu ngủ được thì cũng chập chờn. Tìm lại giấc ngủ ngon, nâng cao chất lượng giấc ngủ là điều cần thiết.

Các nguyên nhân dẫn đến mất ngủ

Tuy có nhiều nguyên nhân nhưng có thể tóm tắt vào một số điểm chính như :

Mang theo các suy nghĩ tiếp nối vì công việc vào giường ngủ. Não liên tục bị kích thích nên không trở lại trạng thái nghỉ ngơi để chìm sâu vào giấc ngủ được.

Ít hoạt động thể lực nên trí não tuy bị stress nhưng thể xác ít mệt mỏi hơn nên dễ trằn trọc, khó ngủ.

Theo nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ), người cô đơn có giấc ngủ ít hơn, ngủ ngắn hơn và tỉnh giấc nhiều lần hơn so với những người không cô đơn.

Nếu ban ngày đã lao động trí óc, ban đêm lại giải trí bằng cách chơi games vi tính hoặc lang thang trên mạng internet thì càng bị chi phối khó tìm giấc ngủ hơn.

 

Trước khi ngủ nên tránh dùng chất kích thích (trà, cà phê, thuốc lá…)

 

Làm sao cho dễ ngủ?

Thay đổi lối sống:

Đi bộ thong thả 20 – 30 phút lúc chiều tối hoặc một vài động tác thể dục hít thở sâu.

Tắm nước ấm để tạo thư giãn khi đi ngủ.

Sau bữa ăn tối không dùng những chất kích thích như: cà phê, trà, coca cola, hút thuốc hoặc ăn những loại trái cây giàu vitamin C.

Có thể dùng một ly sữa ấm khi đi ngủ để cung cấp hydrat carbon, khỏi bị hạ đường huyết ban đêm gây rối loạn giấc ngủ.

Bữa cơm chiều nên ăn nhẹ, không nên ăn nhiều những chất kích thích, dầu mỡ hoặc thức ăn khó tiêu, nên chọn những thức ăn có lợi cho giấc ngủ như ngũ cốc (xôi, cơm, bánh mì, khoai, củ…), bí, bầu, mướp, khổ qua, rau lang, mùng tơi, bồ ngót, rau muống, xà lách. Bữa ăn chiều chứa nhiều ngũ cốc sẽ giúp cơ thể hấp thu tryptophan, một amino acid giúp dễ ngủ. Ngược lại ăn nhiều thịt cá sẽ gây hưng phấn, khó ngủ do tác dụng của tyrosin trong thịt cá.

Không nên lên giường nằm quá sớm.

Đọc truyện nhẹ nhàng hoặc làm một việc lặp đi lặp lại gây nhàm chán như đếm chậm trước giấc ngủ.

Phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát, hạn chế ánh sáng, tiếng ồn. Ánh sáng chói lòa sẽ ngăn cơ thể tiết ra melatonin – hoóc-môn tự nhiên hỗ trợ việc ngủ còn tiếng động làm con người dễ bị tỉnh giấc, khó đi vào giấc ngủ sâu.

Không đặt quá nhiều vật dụng điện (tivi, cassette, video…) để tránh từ trường phát ra từ các vật dụng trên gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tắt ti vi và tránh xa khỏi máy tính. Giữ nhiệt độ thích hợp trong phòng ngủ vào khoảng 18 – 26oC.

Dùng các loại dược thảo an thần:

Việt Nam là nước có nguồn cây cỏ dược liệu phong phú trong đó có nhiều vị thuốc an thần gây ngủ nhưng không độc và không gây nghiện. Ngày nay các dược liệu có tác dụng an thần, trị hồi hộp, bồn chồn, mất ngủ, chống co thắt, hạ huyết áp… như củ bình vôi, lạc tiên, tâm sen, táo khô, lá vông nem, mật ong, phục linh… được bào chế theo kỹ thuật tân dược, nhiều thuốc được chế dưới dạng thực phẩm chức năng như trà túi lọc, tan ngay, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 1 – 2 gói nên rất tiện dụng.

Không nên lạm dụng thuốc an thần, thuốc ngủ gây hại:

Thuốc an thần giải lo hoặc thuốc ngủ là phương án hiệu nghiệm “trước mắt” giúp tìm lại giấc ngủ. Thuốc thông dụng, rẻ tiền nhất chính là nhóm thuốc Benzodiazépine có tên thương mại quen thuộc như: seduxen, diazefar, valium… Khi  nhập viện, do yêu cầu điều trị, có thể bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc an thần. Điều nguy hại của thuốc là vừa có tác dụng dễ ngủ lại gây khoái cảm nên khi quen thuốc thì “đô” phải tăng lên mới tạo được hiệu quả, lâu dần cơ thể lệ thuộc vào thuốc và trở nên nghiện thuốc. Khi thiếu thuốc thì cơ thể không chịu được và lại càng thêm mất ngủ.

Vì vậy không nên lạm dụng các loại thuốc an thần, thuốc ngủ.

Việc thường xuyên thiếu ngủ mỗi ngày sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến cơ thể có nguy cơ gặp phải hàng loạt vấn đề về sức khỏe như cao huyết áp, ung thư, mất trí nhớ và có thể cả đái tháo đường. Vì thế, câu tục ngữ “ăn được, ngủ được là tiên…” vẫn luôn đúng trong cuộc sống hiện đại nhiêu lo nghĩ.

DS. TRƯƠNG TẤT THỌ