Hoá thạch của một số loài cá mập răng sắc mới đã được tìm thấy tại bang sa mạc Arizona (Mỹ), với ít nhất 3 mẫu có niên đại 270 triệu năm trước.
Theo báo cáo trên chuyên san Historical Biology, các chuyên gia cho rằng Arizona từng là quê hương của một cộng đồng cá mập đa dạng nhất hành tinh xanh vào thời kỷ nguyên Trung Permi, tức trước khi khủng long xuất hiện.
Mẫu hoá thạch của cá mập ở Arizona
Trưởng nhóm nghiên cứu John-Paul Hodnett, thuộc Viện bảo tàng miền Bắc Arizona, đã mô tả 3 hoá thạch trong báo cáo mới nhất. Theo đó, loài đầu tiên là Nanoskalme natans là dòng cá mập chỉ dài khoảng 1 mét với hàm răng sắc như lưỡi kiếm.
Kế đến là Neosaivodus flagstaffensis, kích thước tầm trung dài khoảng 2 mét, là loài ăn tạp khi trưởng thành. Còn Kaibabvenator swiftae là loài lớn nhất trong số này, dài đến 6 mét và thích ăn thịt đồng loại, giống như cá mập trắng khổng lồ hiện đại.
Hodnett đã phân tích hoá thạch cá mập với các đồng nghiệp David Elliott, Tom Olson và James Wittke. Những hoá thạch trên được khai quật ở nơi hiện nay là khu vực Đá vôi Kaibab ở phía bắc Arizona.
Theo các chuyên gia, nơi này từng là một vùng biển cạn, ấm áp, là nhà của hệ sinh thái “cá mập ăn cá mập” cách đây hàng trăm triệu năm.
Theo Thanh Niên