Lưu Bá Ôn, tên thật là Lưu Cơ, tự Bá Ôn. Ông sinh vào cuối triều Nguyên, từng đỗ Tiến sĩ và làm quan trong triều. Sau đó, vì chán ghét sự bạo ngược của triều đình cuối thời Nguyên, ông từ quan về quê và ẩn thân tại chốn núi sâu tỉnh Chiết Giang. Lưu Bá Ôn tinh thông quân sự, chính trị, thiên văn, địa lý, và lịch sử, là một nhân vật nổi tiếng tại quê hương ông, có thể nói là nhà nhà đều biết. Về lĩnh vực văn học, ông cũng có một số thành tựu nhất định. Ông đã dùng bút pháp ngụ ngôn để viết cuốn sách «Úc Ly Tử», với nhiều câu văn tựa như hài hước, nhưng ngụ ý thâm sâu. Câu chuyện “Học cách làm ô” sau đây là một truyện ngụ ngôn như vậy. Chuyện kể rằng:
Vào thời Chiến Quốc, ở nước Trịnh có một người nông thôn học cách làm ô. Trải qua thời gian ba năm học nghề và sau khi bỏ ra rất nhiều công sức, ông cuối cùng đã thành thạo nó. Nhưng thật không may, một trận đại hạn hán xảy ra và những chiếc ô của ông căn bản không dùng để làm gì. Thế là gió chiều nào xuôi theo chiều ấy, ông chuyển sang học cách làm gàu múc nước. Lại trải qua ba năm và sau khi mất rất nhiều công sức, ông cuối cùng cũng thành thạo nó. Chẳng bao lâu, một trận mưa lũ lớn xảy ra và không ai thèm mua gàu múc nước của ông nữa. Sau đó, ông trở lại với việc bắt đầu làm ô. Nhưng không lâu sau, một băng cướp tới vùng này và tất cả mọi người phải mặc quân phục để tự bảo vệ mình. Quân phục bản thân đã có thể dùng để làm áo mưa, do vậy không ai hỏi mua ô của ông nữa. Sau khi cân nhắc diễn biến mới này, ông nghĩ tốt hơn cả là học cách rèn vũ khí, nhưng ông đã quá già, thiếu khả năng và không biết phải làm sao.
Khi Úc Ly Tử biết được câu chuyện này, ông nói: “Rất nhiều việc trong đời người không phải là điều sức người có thể điều khiển được. Thay vào đó, con người hoàn toàn bị kiểm soát bởi Thần. Ngay cả học nghề gì và có thể dùng được không, thì cũng do thiên mệnh quyết định. Tuy nhiên học tập nghề nào lại là quyền lựa chọn của người ta. Đó là tại sao người đàn ông trong câu chuyện này phải chịu số phận không như ý. Chính ông là người chịu trách nhiệm cho thất bại của bản thân mình. Như tại Quảng Đông có một người làm ruộng rất giỏi trồng lúa, và ông còn khai khẩn đất hoang để trồng lúa. Tuy nhiên vì thủy tai nghiêm trọng, ông đã không thể thu hoạch được gì trong vòng ba năm. Rất nhiều bằng hữu tới khuyên ông hãy dẫn nước ra ngoài và trồng ngô. Nhưng ông vẫn kiên trì không lay động, và tiếp tục trồng lúa. Năm sau, trời hạn lớn và vẫn tiếp tục như vậy trong hai năm sau đó. Kết quả ruộng lúa của ông khô ráo trở lại và có thu hoạch trong ba năm. Khi tính toán mùa gặt trong ba năm ấy, ông thấy nó không chỉ bù đắp tổn thất của ông trong quá khứ, mà còn dư lại rất nhiều. Do đó, ‘đóng ghe thuyền vào mùa hạn và khâu áo bông vào mùa nóng’ là rất có đạo lý.”
Chỉ cần chúng ta có thể kiên trì nghề nghiệp của mình và tin tưởng vào sự lựa chọn đúng đắn, thì chúng ta sẽ sống sót qua trận hạn lớn và những cơn mưa sẽ tự đến. Gượng qua ngày nóng, mùa đông sẽ đến. Đời người luôn là thăng trầm như vậy, có được thì cũng có mất. Thế nên mới có câu: “Khi những đám mây tan đi thì sẽ thấy bầu trời xanh”. Sự thực là kiên trì nhất định sẽ thắng lợi.
( Theo Sử Thục Văn, chanhkien)