Các nhà khoa học Mỹ bắt đầu thử các microchip gắn dưới da bệnh nhân. Vào thời điểm cần thiết, chúng sẽ đưa vào máu bệnh nhân những liều lượng thuốc nhất định.
|
Tương lai, những con chip nhỏ xíu này có thể là cả một kho thuốc. Ảnh minh họa. |
Hiện nay, việc thử nghiệm đang tiến hành với một phụ nữ bị bệnh loãng xương (osteoporosis), theo thông tin của tờ BBC.
Người ta cấy những con chip vào thắt lưng bệnh nhân và điều khiển từ xa bằng sóng điện từ. Theo các tác giả của công trình nghiên cứu, hoàn toàn không thấy có phản ứng phụ.
GS Robert Langer thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết trên một con chip có thể chứa đựng cả một hiệu thuốc. Tuy trong trường hợp này nó chỉ để điều trị bệnh loãng xương nhưng có thể dùng trong nhiều lĩnh vực khác nữa.
Kích thước của con chip chỉ là 3 x 5 cm và dày không quá 1 cm. Trong vi sơ đồ của nó chứa những “viên” thuốc cực nhỏ, in trên những màng cực mỏng bằng platin và titan. Màng này sẽ bị hoà tan dưới tác động của sự phóng điện và thuốc sẽ đi vào máu. Thời gian đưa thuốc vào được điều chỉnh bằng một linh kiện điện tử, điều khiển từ xa bằng những tín hiệu vô tuyến.
Hiện nay trên một con chip có thể bố trí khoảng 20 “viên” thuốc , nhưng trong tương lai sẽ lên đến vài trăm loại thuốc để chữa đồng thời nhiều loại bệnh cho một bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, khoảng 5 năm nữa, những microchip chữa bệnh sẽ được sản xuất đại trà và việc điều trị bệnh sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Bảo Châu
(vietnamnet.vn)