Bệnh Chagas, vốn là một bệnh nhiệt đới do ký sinh trùng được truyền vào cơ thể người thông qua các loài côn trùng hút máu, bị coi là “HIV mới” tại châu Mỹ, theo một báo cáo của tạp chí PLoS Neglected Tropical Diseases.
Các tác giả của báo cáo trên gồm những chuyên gia bệnh nhiệt đới từ Đại học Y Baylor (Mỹ), phân tích rằng sự lây lan của bệnh Chagas tại khu vực Bắc bán cầu có điểm giống với thời kỳ bành trướng ban đầu của đại dịch HIV.
Bọ hút máu Triatoma có mang theo ký sinh trùng trypanosomiasis gây ra bệnh Chagas
Chagas còn được biết đến với tên gọi là bệnh trypanosomiasis châu Mỹ do loài côn trùng hút máu gây bệnh có mang trên mình ký sinh trùng đơn bào trypanosomes, vốn là thủ phạm gieo rắc bệnh ngủ ở châu Phi.
Bệnh ngủ là căn bệnh nguy hiểm gây ra bởi ký sinh trùng trypanosomiasis trên ruồi tsetse, theo AFP. Ruồi tsetse truyền trypanosomiasis sang người trong quá trình hút máu. Ký sinh trùng này sau đó tấn công vào não khiến nạn nhân bị rối loạn giấc ngủ trầm trọng dẫn đến hôn mê và có thể tử vong.
Cũng giống như HIV, bệnh Chagas có thời gian ủ bệnh dài và chưa có thuốc chữa, bản báo cáo nhận định. Thống kê cho thấy đã có đến 8 triệu người sống tại Bắc bán cầu bị nhiễm, hầu hết là ở Bolivia, Mexico, Columbia và Trung Mỹ. Trong số này có hơn 300.000 người là người nhập cư hiện đang sống tại Mỹ.
Chagas có thể lây từ mẹ sang con hoặc từ việc truyền máu. Khoảng một phần tư số nạn nhân vào giai đoạn cuối sẽ bị phình tim hay ruột. Các bộ phận này có thể bị suy chức năng hay vỡ, dẫn đến đột tử. Bệnh nhân đòi hỏi phải uống thuốc nghiêm ngặt trong suốt ba tháng và thường chỉ có tác dụng khi được điều trị sớm.
Mặc dù giá thuốc điều trị bệnh Chagas không đắt bằng thuốc trị HIV, nhưng rất khó tìm tại các nước nghèo. Cũng vì đây là bệnh của người nghèo nên việc đầu tư tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả rất hạn chế.
(khoahoc.com.vn)