Tinh Hoa

Thiên thạch va chạm Trái Đất: hơn cả thiên tai

Với sức công phá mạnh gấp nhiều lần một trái bom nguyên tử, các vụ va chạm với thiên thạch có thể để lại những dấu ấn kinh hoàng trên bề mặt Trái Đất và trong lịch sử nhân loại.
 
Vụ va chạm 50.000 năm trước
 
50.000 năm trước, một thiên thạch có đường kính gần 50m đã hạ cánh xuống phía bắc sa mạc Arizona (Mỹ), để lại một hố rộng 1,6 km và sâu 173 m. Chiếc hố này được đặt tên là hố Barringer để ghi nhớ Daniel Barringer – người đầu tiên cho rằng nó là hậu quả của một vụ va chạm giữa thiên thạch và Trái Đất.
Hố Barringer rộng 1,6 km và sâu 173 m
 
Nhiều nghiên cứu sau này đã cho thấy  thiên thạch đã di chuyển với vận tốc 46.000 km/h trước khi đâm vào Trái Đất. Ước tính vụ nổ có sức công phá gấp 150 lần trái bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima. 
 
1.000 trái bom nguyên tử nổ trên bầu trời Siberia

Sáng 30/6/1908, một vụ nổ có sức công phá tương đương 1.000 trái bom nguyên tử Hiroshima đã xảy ra trên bầu trời Tunguska, một khu vực hẻo lánh thuộc Siberia (Nga).
Vụ nổ đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng
Giả thuyết được đề cập nhiều nhất cho rằng sự kiện Tunguska là do một thiên thạch hoặc sao chổi va chạm với Trái Đất
 
Vụ nổ đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Sóng xung kích và nhiệt bức xạ từ tâm chấn của vụ nổ đã tàn phá khu vực có bán kính 30 km. Hơn 80 triệu cây xanh trong khu vực đã bị đốt cháy, đổ và biến dạng. Hàng trăm con tuần lộc đã chết ngay lập tức. May mắn thay, khu vực này rất hẻo lánh nên không có người cư trú và không có ai bị thương. 

Hơn một thế kỷ sau, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về nguyên nhân gây ra vụ nổ. Và trong số hàng chục giả thuyết được đưa ra, phần đông giới nghiên cứu nghiêng về ý kiến cho rằng, sự kiện Tunguska là do một vật thể ngoài Trái Đất như thiên thạch hoặc sao chổi gây ra khi nó va chạm với hành tinh chúng ta. 
 
Theo giả thuyết này, một thiên thạch kích thước từ 6-10 km, khi lao vào khí quyển Trái Đất với vận tốc hơn 10 km/giây đã nổ trên bầu trời Tunguska. Vật thể va chạm cũng có thể là một sao chổi nhỏ, được cấu tạo chủ yếu từ băng và bụi, nên có thể bốc hơi hoàn toàn khi ma sát với khí quyển.
 
Tiểu hành tinh ghé thăm Địa Trung Hải
 
Ngày 6/7/2002, một vật thể với bán kính khoảng 10m đã lao vào Trái Đất và gây ra một vụ nổ trên không ở khu vực Địa Trung Hải, giữa Hy Lạp và Libya. Vụ nổ giải phóng năng lượng tương đương 26.000 tấn thuốc nổ TNT, bằng sức công phá của một quả bom nguyên tử nhỏ.

Các nhà khoa học cho rằng vụ nổ gây ra do một tiểu hành tinh chưa xác định tiếp cận Trái Đất. Sau vụ nổ, toàn bộ vật chất của vật thể đã bị phân hủy. Cũng không có hố nào hình thành vì vụ nổ xảy ra trên biển.
Vụ nổ xảy ra trên bầu trời Địa Trung Hải.
 
Quả cầu lửa ngoài khơi Indonesia
Ngày 8/10/2009, ngoài khơi thành phố duyên hải Bone, phía nam Sulawesi, Indonesia đã xảy ra một vụ nổ trên không khi một tiểu hành tinh đi qua khí quyển Trái Đất. Vụ nổ giải phóng năng lượng tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT, bằng 2 trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nagasaki (Nhật Bản) trong Thế chiến thứ 2.
Vệt mây bụi do vụ nổ gây ra.
 
Vào khoảng 11h trưa (giờ địa phương), trên bầu trời Bone xuất hiện quả cầu lửa chói sáng, tiếp theo là tiếng nổ và một đám mây bụi kéo dài. Theo các chuyên gia NASA, thủ phạm của vụ nổ là một tiểu hành tinh có đường kính 9,14m. Không có thiệt hại về người và tài sản, do vụ nổ xảy ra trên không và ở ngoài khơi.
 
Theo một nghiên cứu của Peter Brown, chuyên gia về thiên văn học tại Đại học Tây Ontario (Canada), tần suất xảy ra những vụ va chạm giữa các thiên thể có kích thước tương tự với Trái Đất là khoảng 12 năm một lần. 
 
Thu Thương – Ngọc Khanh (Theo msnbc, space)