Từ trước tới nay, ta đều biết sách chủ yếu được in trên giấy bởi đây là chất liệu vừa nhẹ, vừa rẻ lại thuận tiện cho việc in ấn và đọc. Thế nhưng, với mục đích cao quý nào đó, người ta đã tạo ra những cuốn sách quý báu cả về vật chất và giá trị tinh thần.
1. Kinh Pháp Hoa tại Hàn Quốc
Nói một cách chính xác thì đây là bản thảo chép tay Kinh Pháp Hoa được in dưới triều đại Goryeo (918-1392) tại “xứ sở Kim Chi”, vào khoảng năm 1340. Tới nay, danh tính của nghệ nhân tạo ra bản thảo này vẫn chưa được xác định rõ nhưng chắc hẳn, đây phải là một nghệ nhân có bàn tay tài hoa bậc nhất.
Bản thảo bao gồm 106 trang sách gấp, mỗi trang có kích thước 33 x 11,4cm. Nó được làm từ giấy lụa tơ tằm nhuộm chàm xanh, mạ vàng và bạc, hình vẽ tỉ mỉ từng chi tiết làm nổi bật lên đặc trưng cho tiêu chuẩn in dưới thời kì Goryeo. Đọc từ phải sang trái, tiêu đề cùng những lời tựa của bản thảo được khắc và mạ vàng, sau đó là liên tiếp những hình ảnh minh họa về đức Phật được nạm viền bằng kim cương, đá quý.
Về nội dung, đây là phần thứ hai của bộ Kinh Pháp Hoa, một trong các bộ kinh kinh điển của Phật Giáo có ảnh hưởng nhất ở Đông Á. Cùng với Kinh Hoa Nghiêm, đây được coi là hai bộ kinh phổ biến tại xứ Hàn thời xưa.
2. Sách vàng thời Bắc Tống
Ở Trung Hoa, vàng tượng trưng cho quyền lực độc tôn của nhà vua. Thế nên, mọi vật dụng từ nhỏ nhất đều được trang trí cầu kì và được nạm vàng. Sách không phải là ngoại lệ, và minh chứng tiêu biểu nhất là cuốn sách vàng thời kì Bắc Tống.
Nó là biểu tượng của Thiên tử và sự giàu sang độc tôn thiên hạ. Cuốn sách này được làm vào thời Chân Tông Hoàng đế Triệu Hằng, khoảng năm 1008. Cuốn sách có ghi lại truyền thống tục lệ hiến tế Fengshan do vua thực hiện, truyền tải ước mơ, mong muốn được lên trời, hưởng cuộc sống hòa bình, trường thọ của Chân Tông.
Về hình thức, nó được trang trí cực kì công phu: ngọc bích xanh lá cây, trắng nhạt được xâu bằng các vòng vàng, chữ nho và họa tiết khắc nổi và nạm vàng. Nó được phát hiện ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc năm 1931.
3. Cuốn sách thiên thần Kells
Có thể nói đây là một tàng kinh cổ vô giá nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử đất nước Ireland. Đây thực chất là Kinh Phúc âm, được viết bằng tiếng Latinh, bao gồm tập hợp 4 phần Phúc âm của các Thánh Matthew, Luke, Mark và John. Những tư liệu này gộp thành phần mở đầu của Kinh Thánh Tân ước. Cuốn sách được viết hoàn toàn trên da dê, với những nét chữ cầu kì, bay bướm, thẳng hàng đã trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật viết chữ đẹp châu Âu thời Trung Cổ. Xét về giá trị thẩm mĩ, nó quý giá bởi có rất nhiều hình ảnh minh họa về Chúa Jesus và đặc biệt là bìa sách làm bằng vàng ròng, đá quý.
Vào thế kỉ 11, cuốn sách Kells bị đánh cắp nhưng sau đó nó được tìm lại trong một hào nước. Hầu như cuốn sách vẫn còn nguyên vẹn, trừ phần bìa sách đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Đến giữa thế kỉ 16, người Anh đặt ách thống trị cả về chính trị và tôn giáo lên Ireland. Nhà thờ Công giáo quyết định chuyển cuốn sách ra nước ngoài. Sau 100 năm, cuốn sách được chuyển về trường Đại học Trinity ở Dublin, thủ đô Ireland ngày nay.
Phải đến thế kỉ 19, công chúng mới được phép chiêm ngưỡng một phần của cuốn sách. Năm 1986, trường Đại học Trinity mới cho phép sao chụp cuốn sách Kells này. Dựa trên ảnh chụp, nhiều bản chép của cuốn sách đã ra đời và có giá tới 18.000 USD (khoảng 377 triệu VNĐ) cho mỗi bản thảo.
4. Sách vàng vua Thiệu Trị
Ở đất nước Việt Nam chúng mình cũng có một cuốn sách vàng đấy nhé! Ngược dòng lịch sử về thời Nguyễn, cuốn sách vàng này được in vào thời vua Thiệu Trị. Cuốn sách có 5 tờ, 10 trang, kích thước 14 x 23cm được đúc từ vàng và bạc với trọng lượng lên tới hơn 2kg.
Bìa sách được chạm trổ hình rồng tinh xảo. Đến nay, đây là quyển sách bằng vàng duy nhất tại Việt Nam với niên đại 166 năm. Cuốn sách được viết bằng chữ Hán, nói về vợ của vua Thiệu Trị là bà Vũ Thị Viên. Cuốn sách này đã từng lưu lạc tại nước Pháp và chủ nhân ban đầu của nó là một viên tướng Pháp xưa. Mãi gần đây, nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường mới đem được nó về Việt Nam sau khi chiến thắng trong phiên đấu giá tại nước ngoài.
Theo Kenh14