Tinh Hoa

10 sáng chế đỉnh cao góp phần ‘cứu rỗi’ đại dương, cái số 3 được tạo ra bởi một cô bé mới học lớp 6!

Những sáng chế cực kì ấn tượng này sẽ giúp chúng ta dọn sạch rác thải đang lênh đênh trên biển và cân bằng lại hệ sinh thái biển.

Hình minh họa (Ảnh: Internet)
 

ECOncrete – Bê tông sinh thái biển

Bạn có biết, bê tông là thứ vật liệu được tiêu thụ nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau nước? Không chỉ vậy, bê tông còn gây ảnh hưởng rất xấu tới hệ sinh thái. Khi tiếp xúc lâu với nước biển, bê tông sẽ thải ra những hóa chất có hại tới các sinh vật sống gần đó.

(Ảnh: Internet)

Chính vì vậy, một công ty trụ sở tại Israel đã phát triển ECOncrete. Đây là loại bê tông sinh thái có tác dụng tương tự bê tông thông thường nhưng được kết thành từ các loại nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, chúng còn có cấu tạo với nhiều lỗ rỗng để mô phỏng san hô, cho phép các loài cá dưới biển sinh sống bên trong.

Bọc lon nước ăn được

Chắc hẳn ai cũng nhớ như in hình ảnh những sinh vật biển chết vì rác thải nhựa, những con chim bị kẹp mỏ vì vòng cao su hay nổi tiếng nhất là video con rùa bị mắc ống hút trong lỗ mũi.

(Ảnh: Internet)

Để tăng cường nhận thức của người dân cũng như giảm tác động xấu của rác, SaltWater Brewery – một công ty trụ sở tại Florida, Mỹ – đã tạo ra phiên bản bọc lon bia hoàn toàn mới. Các nguyên vật liệu hữu cơ cho phép chúng tan rã nhanh chóng trong nước biển, không thải ra hóa chất độc hại. Ngoài ra, nếu các sinh vật biển có lỡ ăn thì cũng không hề gây tác động xấu nào cả.

Robot phát hiện và lọc vi nhựa khỏi nước

Cô bé Anna Du mới học lớp 6 mà đã có thể tạo ra một cỗ máy có tác dụng không ngờ tới. Con robot còn giúp Anna lọt vào chung kết cuộc thi Discovery Education 3M trong mảng Khoa học dành cho trẻ em.

(Ảnh: Internet)

Con robot cấu tạo từ 2 thành phần chính: Hệ thống điều hướng để bơi trong nước và một camera hồng ngoại phân giải cao để tìm các hạt vi nhựa. Nhìn bên ngoài, con robot trông chẳng khác gì một đống ống nhựa bỏ đi gắn vào nhau nhưng thực tế, nó hoạt động rất hiệu quả, nhanh chóng lọc sạch hạt vi nhựa trong nước.

Hiện tại, bạn có thể mua sách và góp quỹ ủng hộ cho dự án của Anna Du tại website KickStarter.

Thùng rác đại dương Seabin

Chiếc “thùng rác” này tạo cảm giác như một “hố đen” giữa biển, nhưng thay vì hút mọi thứ, nó chỉ hút các loại rác thải trôi nổi trên mặt nước. Mô hình này hiện đã được áp dụng rộng rãi và chứng minh hiệu quả cực kì tốt trong việc lọc và loại bỏ rác nhựa ở các bờ biển. Thậm chí, Seabin còn được ứng dụng để lọc dầu khỏi bề mặt nước nhờ các lớp lọc đặc biệt bên trong.

(Ảnh: Internet)

Seabin có thể lọc được gần 2 tấn rác thải mỗi ngày.

Thuyền hút rác Seavax

(Ảnh: Internet)

Những chiếc thuyền hút rác giờ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Tương lai, hệ thống các thuyền Seavax có thể lướt trên mặt biển khơi, đi đến đâu hút rác đến đó và có khoang chứa được cỡ 150 tấn rác thải lận. Ngoài ra, vì có thể hoạt động bằng điện lấy từ năng lượng mặt trời và sức gió nên chúng lại càng phù hợp cho mục đích môi trường.

Hệ thống lưới lọc rác khổng lồ của Ocean Cleanup

(Ảnh: Internet)

Dự án dọn sạch đại dương Ocean Cleanup là kết quả từ 5 năm phát triển của một nhà khoa học người Hà Lan. Hệ thống lưới lọc của anh có tên thân thương là Wilson, kết hợp từ những tấm lưới khổng lồ, gắn vào các ống nhựa nổi trên mặt nước và thu gọn đủ các loại rác thải dưới mặt biển.

Wilson hiện đã trong quá trình hoạt động gần Đảo rác Thái Bình Dương và dự kiến sẽ giảm được 50% khối lượng rác tại đây.

Màng chặn nắng khổng lồ cho các rặng san hô

Ánh sáng mặt trời góp phần tạo ra sự sống nhưng cũng có thể khiến các sinh vật biến mất. Nắng to khiến nhiệt độ nước tăng cao, dẫn đến độ axit trong nước biển cũng tăng theo và lâu dần sẽ quét sạch những rặng san hô gần bề mặt, điển hình là Great Barrier – ngôi nhà của chú cá Nemo trong bom tấn Disney quen thuộc.

(Ảnh: Internet)

Tấm màng chặn ánh nắng sinh học do các nhà khoa học Úc mới sáng tạo ra được làm từ canxi. Chúng vừa bền bỉ mà lại phân hủy dễ dàng, giúp nước biển luôn mát mẻ và giảm tiếp xúc của san hô với ánh nắng.

San hô nhân tạo

(Ảnh: Internet)

Những rặng san hô nhân tạo mô phỏng lại hình dáng của san hô thật với những kẽ hở, lỗ hổng để các sinh vật bám vào và sinh sống bên trong. Vật liệu này sẽ tạo ra môi trường sống tốt hơn, góp phần tạo nguồn thức ăn, tăng chất lượng nước biển để các quần thể cá, tôm, cua… tái phát triển.

Thụ tinh ống nghiệm cho… san hô

San hô là một phần cực kì quan trọng trong hệ sinh thái biển nên có tới 3 sáng chế trong danh sách này là để bảo vệ chúng. Ý tưởng thứ 3 nghe có vẻ kì lạ, khó hiểu nhưng lại cực kì hiệu quả.

(Ảnh: Internet)

Các nhà khoa học có thể lấy các mẫu ấu trùng san hô tại biển Philippin và răng san hô Great Barrier, sau đó nhân giống chúng với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Số lượng ấu trùng sau thụ tinh có thể lên tới hàng triệu, được đưa trở lại những rặng san hô đang chết dần và được bảo vệ kỹ lưỡng khỏi các dòng hải lưu, ánh nắng và hiện tượng El Nino.

Màng bọc thực phẩm không-nhựa Hoola

(Ảnh: Internet)

Quên đi những tấm màng bằng nhựa dùng một lần, bạn sẽ muốn được dùng Hoola để bọc thực phẩm. Sản phẩm này được phát triển từ một chất liệu gọi là Notpla (Not Plastic – không phải nhựa), kết hợp giữa tảo biển và các loài thực vật khác. Hoola có thể gói được cả nước bên trong mà không rách vỡ, đồng thời có thể ăn được và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Nguồn: Internet