Sau 9 lần lỡ hẹn vận hành khiến toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải nằm phơi nắng phơi mưa, mới đây Bộ GTVT đã yêu cầu đích thân Tổng giám đốc tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam để thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc còn tồn đọng.
Theo đó, Tổng Giám đốc Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã tới Hà Nội làm việc với Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư) trong các ngày từ 24-26/12/2019.
Tại các buổi làm việc, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng thầu chỉ rõ những công việc còn tồn tại, hướng giải quyết, xác lập chi tiết thời hạn hoàn thành để đưa dự án vào khai thác.
‘Việc yêu cầu là điều bình thường, đây cũng không phải lần đầu’
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị đơn vị tư vấn độc lập có những đánh giá chặt chẽ, khuyến cáo cụ thể với Tổng thầu, yêu cầu khắc phục triệt để những vấn đề còn tồn đọng của dự án này.
Chia sẻ thêm về việc yêu cầu Tổng Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam làm việc, đại diện chủ đầu tư khẳng định rằng đây cũng là điều bình thường bởi khi dự án phát sinh vấn đề thì người đứng đầu nhà thầu phải sang làm việc để giải quyết.
Và đây cũng không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Tổng thầu bị yêu cầu sang Việt Nam để xử lý vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Được biết, cho đến thời điểm này, Tổng thầu vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo đúng hợp đồng EPC đã ký kết. Để dự án chính thức bàn giao và đưa vào khai thác, các bên liên quan phải hoàn thiện nghiệm thu; hoàn thành các hạng mục và công trình; Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư, đồng ý cho phép nghiệm thu đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Theo đó, ngoài làm việc với tổng thầu Trung Quốc, Bộ GTVT cũng làm việc với tư vấn độc lập, đề nghị đơn vị này có những đánh giá chặt chẽ, khuyến cáo cụ thể với Tổng thầu, yêu cầu khắc phục triệt để các tồn tại của dự án này nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, dự định hoàn thành vào tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD nay đã bị đội vốn lên 891 triệu USD (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc).
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiện có chiều dài 13km, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), trong đó 400 triệu USD là vốn vay Trung Quốc.
Tổng thầu dự án do phía Trung Quốc chỉ định là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Năm 2016, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng lên hơn 18.000 tỷ đồng (868 triệu USD). Trong đó, vay Trung Quốc tăng thêm hơn 7.220 tỷ đồng đưa tổng mức vay lên gần 13.900 tỷ đồng (669,6 triệu USD).
Qua nhiều lần hứa hẹn, đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác…
Vũ Tuấn (t/h)