Tinh Hoa

Yên Bái: Su 22 gặp nạn khi hạ cánh, phi công may mắn thoát nạn

Quân chủng phòng không – Không quân cho biết, vào lúc 14h29 trưa (23/4), một máy bay Su-22M4 do Phi công Trung tá Phan Thanh Hải thực hiện đã gặp nạn  tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Đại diện Sư đoàn Không quân 371 tại Yên Bái cho biết, tại thời điểm đáp hạ cánh, phi công đã xin phép xuống thấp để thả càng khẩn cấp. Sau khi thực hiện thả càng, phi công đã tiến hành hạ cánh để máy bay tiếp đất chạy xả đà.

Mặc dù phi công tiến hành thả dù hãm đà theo quy định nhưng do tốc độ hơi lớn, dù hãm đà bị đứt, máy bay đã vượt ra ngoài bãi hãm cuối đường băng. Phi công Phan Thanh Hải đã nhảy dù thoát nạn an toàn. Máy bay Su-22 5858 hư hỏng nhẹ.

“Phi công đã kịp bung dù nhảy ra ngoài an toàn. Máy bay này sau đó tiếp tục va vào tường rào, hư hỏng phần đầu” – lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên thông tin thêm.

Vụ tai nạn đã làm một chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ trên mặt đất bị thương nhẹ, hiện đã được đưa vào điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.

Được biết, khu vực xảy ra sự cố trước đây là vùng đồi núi, không có hộ dân sinh sống. Gần đây đơn vị quân đội đến đóng quân đã san một phần đồi núi để xây dựng cơ bản, còn hiện tại xung quanh chỉ có trụ sở UBND xã và một số trường học.

Được biết, khu vực xảy ra sự cố trước đây là vùng đồi núi, không có hộ dân sinh sống. (Ảnh: VNE)

Nói về tình huống gặp phải sự cố khi đang bay, Trung tướng Phạm Tuân – nguyên Phó tư lệnh chính trị Quân chủng Không quân cho biết:

“Hệ thống nhảy dù ở các máy bay chiến đấu được nâng cấp hiện nay hoàn toàn có khả năng cứu phi công.

Về nguyên lý, khi Su-22 còn tốc độ, đang chạy thì phi công có thể nhảy dù; kể cả với Mig 21 cũng có thể nhảy dù nếu máy bay chạy với tốc độ 150 km/h trở lên. Thậm chí nhiều loại máy bay hiện đại cho phép phi công nhảy dù khi máy bay đứng tại chỗ”.

Được biết, mặc dù Việt Nam đã nâng cấp loại máy bay này lên các phiên bản mới hơn. Tuy nhiên, tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra trong những năm gần đây đối với loại máy bay Su-22 này.

Năm ngoái, cũng có 2 chiếc máy bay Su-22 của quân đội Việt Nam gặp nạn, đâm vào núi và bốc cháy trong lúc bay huấn luyện, khiến 2 phi công thiệt mạng.

Được biết, loại Su-22 trước kia là loại máy bay cường kích do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam từ năm 1979. Sau khi khối Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Việt Nam bắt đầu mua các máy bay Su-22 cũ từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Séc và ký thỏa thuận nâng cấp các máy bay này với Ukraine, theo một tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Carlyle A. Thayer của Học viện Quốc phòng Úc trình bày.

Anh Thư (t/h)

Xem thêm: