Giống như ô nhiễm đất, nước, hay không khí, ô nhiễm biển là một trong những vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu. Nhiều người vô tư thải rác xuống đại dương mà không quan tâm đến tác hại của chúng đối với động vật biển. Đoạn clip dưới đây quay lại toàn bộ quá trình rút chiếc ống hút nhựa găm chặt vào lỗ mũi chú rùa biển đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng mạng ngay sau khi xuất hiện trên Youtube.
Chúng ta đã từng xót xa trước cảnh chim hải âu chết yểu vì thức ăn “tử thần”. Những chú chim non còn chưa rời tổ được bố mẹ cho ăn những thức ăn “chết người” mà chúng tìm thấy khi những đám rác dạt vào đảo. Chim bố mẹ nhầm tưởng những đám phế liệu nổi lềnh bềnh trên mặt nước ô nhiễm kia là thứ có thể nuôi sống đàn con.
Mới đây, hai nhà khoa học đến từ bang Texas (Mỹ) đã mạnh mẽ kêu gọi người dân không nên tiếp tục sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần sau khi họ trực tiếp chứng kiến tác hại của chúng đối với sinh vật biển.
Trong chuyến nghiên cứu khoa học tại vùng biển Costa Rica, hai nhà khoa học Christine Figgener và Nathan Robinson đã tìm thấy một con rùa biển đực thuộc loại quý hiếm đang khổ sở vì bị tắc mũi. Được biết, chú rùa xuất hiện trong clip dưới đây là rùa đồi mồi dứa. Nó còn được biết đến với tên khoa học là Lepidochelys Olivacea. Ban đầu, hai nhà khoa học nghĩ thứ nằm trong mũi con rùa là một loại ký sinh trùng ăn bám. Nhưng sau khi quan sát kỹ hơn, họ mới nhận ra rằng đó là thứ gì…
Chú rùa đáng thương đau đớn rên rỉ khi hai nhà khoa học từ từ kéo ra dị vật trong khoang mũi. Họ vừa kéo vừa xót xa vỗ về khi thấy máu chảy xuống từ mũi của chú rùa. Có lẽ, bất kỳ ai chứng kiến cảnh tượng này cũng không khỏi rơi lệ, nhưng đến những phút cuối của video, mọi người mới bị sốc khi cuối cùng rút ra được một chiếc ống hút dài.
Chiếc ống hút đó có thể đến từ bất kỳ nơi đâu trên khắp thế giới, có thể một ai đó chỉ vô tình thuận tay ném nó xuống sông hay bờ biển. Còn vô số bao nilon, ống hút, dây lưới… đã trôi dạt trên đại dương và gây tổn thương cho hàng loạt sinh vật biển nếu như chúng vô tình mắc hay nuốt phải.
Đáng sợ nhất là những mảnh nhựa li ti xâm nhập vào các loài vi sinh vật, và những sinh vật lớn hơn ăn vào, làm cho nhựa chạy dần lên trong chuỗi thức ăn.
Sau khi xem đoạn video trên, hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương!
Theo daikynguyenvn.com