Mới đây, trên trang cá nhân của blogger Raphael Zohler, đến từ Sao Paulo, Brazil đăng tải một bài viết kể về những lá thư của một người bố để lại trước khi qua đời vì ung thư ở tuổi 27. Những lá thư tương ứng mỗi giai đoạn quan trọng của cuộc đời, như một lời động viện để vượt qua thử thách. Những lời dạy dỗ ấy đã đi theo người con trai đến tận cuối đời ở tuổi 85.
“Cái chết luôn luôn bất ngờ. Thậm chí những người bệnh vô phương cứu chữa vẫn hy vọng họ không chết hôm nay, có thể sau một tuần, nhưng chính xác không phải bây giờ, không phải hôm nay.
Cái chết của bố tôi đã còn hơn cả bất ngờ. Ông ra đi ở tuổi 27 như một vài nhạc sĩ nổi tiếng từ “câu lạc bộ 27”. Ông còn trẻ, rất trẻ. Bố của tôi không là nhạc sĩ cũng không phải là người nổi tiếng. Ung thư không lựa chọn nạn nhân của mình. Ông ra đi khi tôi mới 8 tuổi – cái tuổi mà tôi đã đủ lớn để nhớ về ông suốt cả cuộc đời.
Nếu ông chết sớm hơn, ở tôi sẽ không có những ký ức về bố và tôi sẽ không cảm thấy đau đớn nhưng như vậy tôi đã không có bố. Nhưng tôi vẫn nhớ về ông bởi vì tôi đã có bố. Nếu còn sống, ông đã có thể chọc vui tôi bằng những truyện cười. Đã có thể hôn tôi vào trán trước khi tôi thiếp đi. Bắt tôi ủng hộ đội bóng mà ông cũng ủng hộ và đã giải thích một số việc tốt hơn cả mẹ.
Ông không bao giờ nói với tôi rằng ông sắp chết. Thậm chí cả khi ông nằm trên giường bệnh với những cái ống khắp người ông cũng không nói một câu nào về chuyện đó. Bố tôi vẫn xây dựng kế hoạch cho năm sau, mặc dù ông đã biết rằng ông sẽ không ở bên cạnh tôi trong tháng tới. Trong năm tới chúng tôi sẽ đi câu cá, đi du lịch, ghé thăm những nơi mà chưa bao giờ chúng tôi đến. Năm tới sẽ rất tuyệt vời. Chúng tôi đã mơ ước như vậy đó.
Tôi nghĩ, ông tin rằng mối quan hệ như thế sẽ kéo sự may mắn đến cho tôi. Xây dựng kế hoạch ở tương lai là một cách để giữ hy vọng. Ông làm cho tôi cười đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời ông. Ông biết rằng, nhất định rồi sẽ đến ngày ông ra đi mãi mãi nhưng ông không nói gì về điều đó – ông không muốn nhìn những giọt nước mắt của tôi.
Một lần mẹ tôi bất ngờ đón tôi từ trường và chúng tôi đi đến bệnh viện. Bác sĩ thông báo một tin buồn với tất cả sự tế nhị mà ông có thể có được. Mẹ đã khóc bởi vì tất cả chỉ còn lại một hy vọng nhỏ nhoi. Tôi đã bị sốc. Thế có nghĩa là gì vậy? Chẳng lẽ đấy không phải là một bệnh mà các bác sĩ có thể chữa khỏi? Tôi cảm thấy mình bị phản bội. Tôi gào lên tức giận cho đến khi hiểu rằng bố đã không còn ở bên cạnh. Rồi tôi khóc.
Một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Một nữ y tá bước đến bên tôi với một cái hộp kẹp bên nách. Trong hộp đầy những phong bì dán kín với những dấu hiệu nào đó thay cho địa chỉ. Sau đó nữ ý tá trao cho tôi một phong bì từ chiếc hộp.
“Bố của cháu đề nghị cô trao cho cháu chiếc hộp này. Ông đã mất một tuần để viết chúng và ông muốn cháu đọc ngay bây giờ lá thư đầu tiên. Hãy mạnh mẽ lên nhé!”.
Tôi mở nó ra. Trên phong bì viết “Khi bố không còn“.
“Con trai,
Nếu con đọc cái này có nghĩa là bố đã chết. Bố rất tiếc. Bố biết rằng bố sẽ chết. Bố không muốn nói cho con cái gì sẽ diễn ra, bố không muốn để con khóc. Bố quyết định như vậy. Bố nghĩ rằng người chuẩn bị chết có quyền hành động ích kỷ một chút.
Bố còn cần dạy con rất nhiều. Cuối cùng thì con chưa biết gì cả. Do vậy bố viết cho con những bức thư này. Đừng mở chúng trước thời điểm cần thiết, được không? Đây sẽ là thỏa thuận của chúng ta nhé.
Bố yêu con! Hãy chăm sóc mẹ. Bây giờ con là đàn ông trong nhà.
Yêu con, bố.
P.S. Bố không viết thư cho mẹ. Mẹ cũng đã nhận được chiếc xe của bố”.
Bức thư nguệch ngoặc của ông mà tôi khó khăn mới có thể hiểu được đã làm tôi an lòng, buộc tôi mỉm cười. Bố của tôi đã nghĩ ra thứ thú vị như vậy.
Cái hộp này trở thành vật quý giá nhất trên đời đối với tôi. Tôi nói với mẹ để bà không mở nó. Những bức thư này là của tôi, không một ai khác nữa có thể đọc được chúng. Tôi học thuộc lòng tên của tất cả các phong bì mà tôi sẽ còn phải mở sau này. Nhưng phải đợi thời gian để những thời điểm đó đến. Và tôi quên đi những bức thư.
7 năm trôi qua. Chúng tôi chuyển đến nơi ở mới. Tôi không nhớ mảy may về cái hộp đựng các bức thư. Đơn giản là nó biến đâu mất và tôi cũng không cố tìm nó. Cho đến khi một chuyện xảy ra. Mẹ cứ ở vậy mà không lấy chồng một lần nữa.
Tôi không biết tại sao nhưng tôi muốn tin rằng bố tôi là tất cả tình yêu, tất cả cuộc sống của bà. Lúc đó bà đã có một người đàn ông mà theo tôi không xứng một chút nào với bà. Tôi đã nghĩ rằng bà tự hạ thấp mình khi gặp gỡ với ông ta. Ông ta không tôn trọng bà. Bà xứng đáng một ai đó tốt hơn nhiều so với người đàn ông mà bà đã làm quen trong quán bar.
Tôi đến giờ vẫn nhớ cái tát nổ đom đóm mắt của bà sau khi tôi nói từ “bar”. Tôi nhận là tôi xứng đáng nhận nó. Ngay khi da của tôi vẫn còn rát lên vì cái tát, tôi nhớ đến cái hộp với những bức thư mà chính xác có một bức thư với tên gọi “Khi con với mẹ xảy ra vụ cãi nhau long trời nhất”. Tôi tìm kiếm trong phòng ngủ của mình và tìm thấy cái hộp trong vali nằm trên tầng trên cùng của tủ quần áo.
“Bây giờ hãy xin lỗi mẹ.
Bố không biết tại sao con lại cãi nhau với mẹ và bố cũng không biết ai đúng. Nhưng bố biết mẹ của con. Đơn giản là hãy xin lỗi và đấy sẽ là điều tốt hơn tất cả. Bà là mẹ của con, bà yêu con hơn tất cả mọi thứ ở trên thế giới này. Liệu con có biết rằng mẹ đã chọn sinh ra con bằng cách bình thường bởi vì người ta đã nói với bà rằng như vậy sẽ tốt hơn cho con? Con đã khi nào nhìn thấy phụ nữ đẻ chưa? Hay con cần chứng cứ tình yêu nhiều hơn nữa?
Hãy xin lỗi. Mẹ sẽ tha thứ cho con.
Yêu con, bố”.
Bố của tôi không phải là nhà văn vĩ đại, ông chỉ là nhân viên ngân hàng bình thường. Nhưng những lời của ông đã có ảnh hưởng lớn đối với tôi. Đó là những lời mang theo sự thông thái lớn hơn tất cả mà 15 năm của cuộc đời tôi gom lại. Tôi lao đến phòng của mẹ và mở cửa. Tôi đã khóc, khi bà quay lại để nhìn vào mắt tôi. Tôi nhớ tôi đến bên bà tay cầm bức thư mà bố tôi đã viết. Mẹ ôm lấy tôi và hai chúng tôi đứng trong im lặng.
Chúng tôi giảng hòa với nhau và nói một chút về bố. Bằng cách nào đó tôi cảm thấy ông ngồi cạnh chúng tôi. Tôi, mẹ của tôi và những gì thuộc về bố tôi, những điều mà ông để lại cho chúng tôi trên những tờ giấy.
Lá thư “Khi con cưới vợ” làm tôi rất hồi hộp. Nhưng không nhiều cảm xúc như bức “Khi con trở thành bố”.
“Bây giờ con đã hiểu rằng thế nào là tình yêu thực sự, con trai à. Con hiểu rằng con yêu cô ấy nhiều như thế nào, những tình yêu thực sự – đấy là khi con cảm thấy cái sinh linh nhỏ bé nằm bên cạnh con. Bố không biết, đó là cậu bé hay cô bé. Nhưng… hãy đón nhận niềm hạnh phúc viên mãn. Bây giờ thời gian trôi đi nhanh như tốc độ ánh sáng cho nên hãy luôn ở bên cạnh con của con. Đừng bỏ lỡ những thời điểm quan trọng, chúng sẽ không bao giờ quay trở lại. Hãy thay tã, tắm cho đứa bé, hãy làm gương cho bé. Bố nghĩ, con có tất cả để trở thành một người bố tuyệt vời như bố từng”.
Bức thư đau đớn nhất mà tôi từng đọc đó là bức thư ngắn nhất mà bố viết cho tôi. Tôi tin chắc, vào thời điểm, khi bố viết những từ này, bố cũng đau đớn giống như tôi. Thời gian trôi đi nhưng cuối cùng tôi cũng buộc phải mở phong bì “Khi mẹ của con qua đời“.
“Mẹ bây giờ là của bố”.
Bố tôi vẫn luôn hài hước! Nhưng đấy là bức thư duy nhất không tạo ra nụ cười trên khuôn mặt của tôi. Tôi luôn luôn giữ lời hứa và không bao giờ đọc thư trước thời điểm.
Tôi luôn chờ đợi những thời điểm tiếp theo, bức thư tiếp theo – còn một bài học mà bố dạy cho tôi. Thật ngạc nhiên, một người 27 tuổi có thể dạy cái gì cho một lão già 85 tuổi như tôi hiện nay.
Bây giờ, khi tôi nằm trên giường bệnh, với cái ống thông qua mũi và họng bởi bệnh ung thư đáng nguyền rủa, tôi đưa ngón tay lần giở tờ giấy đã ngả màu của bức thư duy nhất mà còn chưa được mở. Cái án “Khi thời điểm của con đến gần” khó lắm mới đọc được trên phong bì. Tôi không muốn mở nó. Tôi sợ. Tôi không muốn tin rằng thời gian của tôi đã đến gần. Không ai tin rằng sẽ có lúc chết. Tôi hít một hơi thật sâu và mở phong bì.
“Chào con trai. Bố hy vọng rằng con đã là một ông già. Con biết không, đây là bức thư bố viết đầu tiên và nó dễ hơn tất cả những bức thư khác. Đấy là bức thư đã giải phóng bố khỏi nỗi đau mất con. Bố nghĩ rằng trí óc sẽ xác định khi nào con rất gần đến cuối cùng. Sẽ dễ nói hơn về việc này. Những ngày cuối cùng ở đây bố đã nghĩ về cuộc sống của mình. Nó rất ngắn nhưng rất hạnh phúc. Bố đã là bố của con và là chồng của mẹ con. Vậy bố còn có thể đòi hỏi gì nữa? Điều này mang lại cho bố sự bình yên của tâm hồn. Bây giờ con hãy làm y như vậy.
Lời khuyên của bố với con: Đừng sợ!
Theo ngoisao.net