Tinh Hoa

Xem vân tay biết 95% tương lai con trẻ?

Hiện TP.HCM có rất nhiều công ty làm dịch vụ sinh trắc dấu vân tay với chức năng “khám phá tiềm năng, định hướng tương lai”, và rất nhiều phụ huynh đưa con đi làm dịch vụ này.

Phòng xử lý kết quả sinh trắc dấu vân tay của một công ty – Ảnh: Sơn Bình

Với những quảng cáo đầy hấp dẫn như: “Bạn có thể có một tuổi thơ đáng tiếc nhưng không thể bắt con mình có một tuổi thơ đáng tiếc. Bạn có thể không phải là thiên tài nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành những ông bố, bà mẹ của thiên tài”; “Một tấm bản đồ cuộc đời chính xác gần 95% của bạn, giúp bạn đi tới thành công sớm hơn”; “Sinh trắc vân tay phát hiện và cảnh báo hội chứng rối loạn tự kỷ”… đã thu hút không ít phụ huynh.

Đủ loại dịch vụ

Chúng tôi vào một trang web của Công ty ứng dụng công nghệ I (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Khi liên hệ, một nữ nhân viên cho biết công ty cử người đến tận nhà hay một địa điểm thích hợp lấy dấu vân tay sau đó mang về trụ sở, nơi có phần mềm bên Malaysia “giải” bài báo cáo. ‘

Phụ huynh được tư vấn nội dung, tổng chi phí 2,8 triệu đồng. Hỏi “kết quả bao lâu?”, cô này nói: “Khoảng 10 ngày, do bên em chờ kết quả từ Malaysia”. Thắc mắc độ chính xác, cô nói: “Chứng nhận bên Mỹ thì độ chính xác hơn 95%. Mà bên em có khảo sát thực tế, độ chính xác khách hàng lưu lại dao động 75-95%”.

Cô khoe khách hàng đi làm rất nhiều và căn dặn: “Khi đi anh phải alô lại để em sắp xếp, không phải lúc nào chuyên viên lấy dấu vân tay cũng ở công ty”.

Tại địa chỉ của trang web Công ty K (Q.10, TP.HCM), sau khi liên hệ, một nữ nhân viên cho biết công ty dùng công nghệ chuyển giao từ Singapore phân tích ra một báo cáo từ 30-40 trang. Sau đó mời gia đình lên nhận, nghe tư vấn về chức năng não bộ. Toàn quy trình giá 3,1 triệu đồng.

Để đảm bảo hơn, nhân viên này cho biết: “Công ty em sử dụng máy laptop cộng thêm phần mềm quét dấu vân tay, chuyên viên tư vấn bên em được đào tạo từ Singapore, kết quả đảm bảo trên 95% chính xác, bên em đã thực hiện cho 3.000 khách hàng”.

Những ngày sau, chúng tôi vào một trang web khác thuộc một công ty ở Q.3. Người trực hotline giải thích sau khi sinh trắc vân tay, hệ thống ở Singapore sẽ phân tích, bảy ngày sau có hồ sơ đánh giá tính cách của con, chức năng lãnh đạo, quản lý, ngôn ngữ…

Khi hiểu biết sẽ tạo môi trường kích hoạt điểm mạnh, cải thiện điểm yếu kịp thời, chi phí trọn gói 3,1 triệu đồng. Cô này còn tư vấn đừng ham rẻ, đắt hơn chút nhưng hiệu quả cho con.

Theo cô, phân tích là do máy chứ không phải người, cũng một kết quả, quan trọng người tư vấn như thế nào cho con phát triển.

“Anh tưởng tượng giống như mình đi xét nghiệm ở bệnh viện, người ta sẽ đưa cho anh một bài xét nghiệm về những thông số, quan trọng là mình sử dụng thông số đó như thế nào cho hiệu quả” – cô này nói.

Khi chúng tôi đưa con đến một công ty ở Q.1, sau khi scan vân tay mẫu, nhân viên nơi đây phán một tràng với người mẹ như tính tình linh hoạt, thích khám phá, làm gì cũng được, khi tập trung chuyên môn nói cái gì đúng cái đó.

Người mẹ hỏi: “Bé có thích sáng tạo không?”, người tư vấn nói: “Muốn sáng tạo phải test bộ sinh trắc đầy đủ, có tiền đóng ngay giảm 10%, hoặc chưa đủ tiền thì đặt cọc. Một bộ đầy đủ phải lấy lại dấu vân tay, giá 2,8 triệu đồng”.

Sinh trắc dấu vân tay tại một trường học trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM sáng 19-12 – Ảnh: Sơn Bình

Quá nguy hiểm

GS.TS Lê Đình Lương, chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, nói: “Nếu hỏi “dấu vân ADN” thì tôi trả lời đầy đủ, còn dấu vân tay bình thường thì tôi không quan tâm. Tôi cho rằng không nên mất thời gian cho những chuyện như vậy bởi tôi hoàn toàn không tin”.

Theo GS Lương, tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền của ông cũng phân tích vân tay nhưng dựa trên cơ sở ADN. Còn phân tích vân tay mà các công ty đang sử dụng dựa trên cơ sở tin học.

Dữ liệu là sinh trắc học, nghĩa là dùng máy đo đạc những kích thước, phân ra những chi tiết trên tay và sử dụng các phần mềm khác nhau do người nước ngoài cung cấp. Theo quan điểm của ông, những dữ liệu sinh trắc học không đủ tin cậy cho các phần mềm máy tính hoạt động. Đầu vào phải là những dữ liệu thuộc ADN, gen, tế bào, nhiễm sắc thể mới có cơ sở thuyết phục.

Tiến sĩ Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM, cho biết dấu vân tay đã được ứng dụng trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào nói rằng nó ảnh hưởng đến hậu vận, đến tương lai. Cần phải có sự lên tiếng của các cơ quan chức năng nghiên cứu để thẩm định tính khoa học khi áp dụng dịch vụ. Ngoài tính khoa học, người dân phải bình tĩnh xem xét tính pháp lý ra sao.

Thượng tá Cao Văn Đen, phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM, cho biết trong quản lý thì dấu vân tay thuộc tàng thư căn cước công dân và được giữ gìn, bảo mật “quý hơn vàng”.

Theo ông, Việc kinh doanh liên quan đến dấu vân tay hay hỗ trợ khoa học giáo dục nếu không quản lý chặt chẽ, dấu vân tay sẽ bị sử dụng cho mục đích khác rất nguy hiểm. Chẳng hạn như sử dụng dấu vân tay lần mò ra tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền. Trong tương lai, quản lý hành chính hay nhiều giao dịch sẽ áp dụng CMND điện tử, khi đó hậu quả sẽ lớn hơn, phía công ty lấy gì đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Các nhà làm luật phải vào cuộc

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, sinh trắc học dấu vân tay không thuộc các ngành, nghề cấm kinh doanh nhưng là một dịch vụ chưa được quy định trong pháp luật và lại đang hoạt động trên thực tế. Điều này yêu cầu các nhà làm luật phải vào cuộc xem dịch vụ có hợp pháp, có đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Thứ nhất, cần làm rõ cơ sở khoa học và phải được hội đồng khoa học trong nước công nhận sinh trắc dấu vân tay, bởi kết quả đánh giá lệch dẫn đến hậu quả tư vấn sai, hướng nghiệp sai, đầu tư sai, có thể khiến người trong cuộc khủng hoảng, ép buộc phải làm những việc không phù hợp sở thích, nhu cầu.

Thứ hai, nếu có cơ sở chấp thuận cho dịch vụ hoạt động thì cần phải đáp ứng những điều kiện nào trong lưu giữ và sử dụng mẫu dấu vân tay của khách hàng, cơ chế để giám sát ra sao…

Kinh doanh sai phạm

Ngẫu nhiên kiểm tra hoạt động, chúng tôi phát hiện không chỉ bốn công ty trên mà những công ty liên quan kinh doanh sinh trắc dấu vân tay đều không đăng ký hoạt động đúng ngành nghề.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, trưởng Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết sau khi kiểm tra thông tin báo Tuổi Trẻ cung cấp, toàn TP không có doanh nghiệp nào đăng ký dịch vụ sinh trắc dấu vân tay. Nghĩa là công ty nào đang hoạt động đều không đúng ngành kinh doanh, phải kiểm tra và xử lý.

“Theo quy định, nếu không nằm trong danh mục cấm thì không được từ chối cấp đăng ký kinh doanh và dịch vụ mới này phải quản lý như thế nào phải bàn cách giải quyết” – bà Nguyệt nói.

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM, cho biết thế giới từng nghiên cứu ứng dụng sinh trắc dấu vân tay nhưng đưa vào VN làm dịch vụ phải có cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, quản lý.

Nhiều nghi vấn

Trong nhiều năm qua đã có hàng ngàn nghiên cứu khoa học về vân tay nhưng thường ít được truyền thông chú ý, có thể do tâm lý chung của dư luận liên kết vấn đề này với thuật xem chỉ tay và bói toán nhiều hơn là một chủ đề khoa học.

Harold Cummins (1893-1976) là người đã đưa ra thuật ngữ “dermatoglyphics” để nói về việc nghiên cứu khoa học dấu vân tay. Cummins được thế giới công nhận là cha đẻ của sinh trắc vân tay. Các nghiên cứu và phát triển công nghệ được biết đến với tên gọi Phương pháp Cummins được chấp nhận là “các công cụ quan trọng trong việc truy tìm mối quan hệ về gen và tiến hóa”.

Những năm gần đây, công nghệ này phổ biến ở Indonesia. TheoJakarta Post, nhiều bậc phụ huynh muốn biết được tiềm năng và khả năng của con mình. Sau khi có kết quả sinh trắc vân tay, thường thì một nhà tâm lý học sẽ giúp cha mẹ và giáo viên hiểu được kết quả phân tích.

Tuy nhiên, bất chấp thành công ở nhiều nước, công nghệ sinh trắc vân tay cũng bị nhiều người nghi ngờ về tính chính xác.

Trang tin DNA của Ấn Độ hồi năm ngoái có đăng tải ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này. Trong khi các nhà tâm thần học nói những chuyên gia sinh trắc vân tay đang lừa mọi người thì trưởng khoa pháp y Bệnh viện Nair ở Mumbai (Ấn Độ) Shailesh Mohite cũng nêu những nghi vấn về bản thân công nghệ này.

Chuyên gia Sameer Dalwai thuộc Hội Nhi khoa Ấn Độ tuyên bố: “Không có cơ sở khoa học cho việc này. Không có nghiên cứu nào ủng hộ sinh trắc vân tay. Không có mối liên hệ nào giữa hoạt động của não và dấu vân tay. Chúng ta phải theo dõi những trẻ em đã qua xét nghiệm sinh trắc vân tay trong vài năm nữa xem sự tiên đoán có đúng không”.

Theo Tuoitre.vn