Tinh Hoa

Xe ba gác ‘Uber’ ở Sài Gòn

Khách hàng dễ dàng tìm được một chiếc xe tải hoặc ba gác máy có tải trọng phù hợp, để vận chuyển hàng hóa với mức chi phí vừa phải, nhờ phần mềm cài trên điện thoại.

Sự xuất hiện của Uber đã tạo cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt phát triển các ứng dụng tương tự như gọi xe ôm, hướng dẫn du lịch… Gần đây nhất, một công ty giao nhận tại TP HCM đã cho ra đời phần mềm gọi xe chở hàng theo hình thức này.

Bằng ứng dụng trên điện thoại, chỉ mất 20 phút, khách hàng và tài xế xe tải sẽ gặp nhau để thực hiện giao dịch. Ảnh: Lưu Bình.

Dịch vụ này cho phép các bác tài kết nối nhanh chóng đến những khách hàng có nhu cầu vận chuyển. Ngược lại, khách hàng dễ dàng tìm được một chiếc xe tải hoặc xe ba gác máy có tải trọng phù hợp, để vận chuyển hàng hóa với mức chi phí vừa phải.

Tài xế Hoàng Văn Dũng, một chủ xe tải nhỏ, cho biết, đã tham gia vào hệ thống này được 1 tháng. Lúc đầu do ít khách biết, hơn nữa khách hàng của anh là tiểu thương nhỏ ở chợ, nhiều người chưa cài đặt phần mềm, nên số lượng đơn hàng không nhiều. Song gần đây, mối hàng gọi nhiều hơn, do nhiều người biết ứng dụng và quảng bá cho nhau.

Cũng theo tài xế Hoàng Văn Dũng, ứng dụng gọi xe chở hàng sẽ được cài vào điện thoại như các phần mềm thông thường. Khi có nhu cầu, khách chỉ mất 20 phút là có thể “định vị” được những chủ xe, tài xế ở khu vực lân cận. Sau khi lựa chọn loại xe, thường là xe tải nhỏ hoặc xe ba gác máy, tài xế sẽ chủ động liên hệ đăng ký với hệ thống, để tiếp nhận khách hàng. Ứng dụng này cũng giúp khách hàng nắm bắt được thông tin của tài xế, như: tên, biển số xe, lịch trình… không sợ thất lạc hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

Ứng dụng có giao diện khá giống với Uber, hiển thị giá tiền và thời gian đặt xe… Ảnh: Zen nguyễn

Anh Tuấn, một khách hàng ở quận 4, TP HCM, cho biết, dịch vụ này rất thuận tiện, nhất là với những người có nhu cầu chuyển nhà, chuyên chở hàng hóa. Hiện mức giá được tính cho 4 km đầu tiên là 135.000 đồng, những km sau giá trị sẽ giảm dần.Theo anh Tuấn, mức giá này là khá rẻ so với mặt bằng chung của thị trường.

Tuy nhiên, khách hàng này lại lo ngại về văn hóa ứng xử của tài xế, cũng như không tin tưởng vào số điểm đánh giá tài xế được phần mềm lưu lại.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng bộ phận điều hành một công ty vận tải ở quận Bình Thạnh, TP HCM, phân tích, ứng dụng gọi xe chở hàng xuất hiện trên thị trường sẽ là đối tượng cạnh tranh trực tiếp của nhiều công ty vận chuyển hàng hóa, vì tính tiện ích, giá cả hợp lý và tập hợp các chủ xe riêng lẻ cùng tham gia. Trong tương lai, ứng dụng này sẽ quy tụ một lượng xe chở hàng hùng hậu, thu hút khách đang sử dụng dịch vụ vận chuyển truyền thống. Tuy nhiên, theo ông Thiết, sẽ khó khăn trong việc quản lý, vì không phải xe tải, ba gác nào cũng đảm bảo chất lượng, giấy phép lưu thông, tài xế không chuyên nghiệp…

Ông Lương Duy Hoài, đại diện nhà cung cấp dịch vụ, phân tích, mô hình “Uber ba gác” của doanh nghiệp khác hoàn toàn với ứng dụng gọi taxi của Uber. Tài xế tham gia phải có giấy phép vận chuyển theo đúng thủ tục của cơ quan chức năng. Xe được cấp phép theo quy định. Doanh nghiệp cũng khá khắt khe trong quá trình xét duyệt hồ sơ, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Theo ông Hoài, tài xế sẽ đảm nhận trách nhiệm giao dịch với khách hàng khi thực hiện việc vận chuyển. Sau khi giao dịch thành công, chủ xe trích 20% chi phí vận chuyển chuyến hàng nộp về công ty quản lý phần mềm. Thực tế số tiền này được trừ trực tiếp vào tài khoản của tài xế đã đăng ký trước đó.

Sau 3 tháng thử nghiệm, doanh nghiệp đã phát triển được 100 tài xế tham gia vào hệ thống, với 3.000 đơn hàng giao dịch thành công. Hiện đã có hơn 1.000 người cài đặt ứng dụng vận chuyển, đa số là tiểu thương các chợ, đại lý bán hàng. Ông Hoài cho biết, ứng dụng cũng sẽ triển khai tại Hà Nội trong năm nay.

Zen Nguyễn

Theo Zing