Theo thông tin điều hành từ liên Bộ Công Thương – Tài chính, mỗi lít xăng RON 95 giảm 192 đồng, về tối đa 20.886 đồng; xăng E5 RON 92 hạ 90 đồng, về mức 19.729 đồng. Đây là lần giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng sau hai đợt tăng liên tiếp.
Sau điều chỉnh, dầu diesel lên tối đa 16.063 đồng một lít; dầu hỏa tăng lên 15.016 đồng và dầu mazut lên mức cao nhất 11.358 đồng một kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương thực hiện giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít. Trong khi đó, mức trích lập của xăng RON 95 tăng lên 400 đồng/lít. Đồng thời, chi quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước chi 200 đồng/lít).
Doanh nghiệp khổ sở vì ‘Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOX)’
Năm 2009, Chính phủ thành lập ‘Quỹ bình ổn giá xăng dầu’. Quỹ này có từ việc trích lập một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở (giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu).
Ngày 12/4/2019, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đã chỉ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Hiệp hội xăng dầu, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng “chịu thiệt thòi hơn là được lợi” vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó việc sử dụng Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
“Bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối”, Hiệp hội xăng dầu kiến nghị.
Tuy nhiên, phía cơ quan điều hành giá xăng dầu thì cho rằng Quỹ bình ổn giá vẫn còn tác dụng nhất định, nên vẫn chưa đồng tình bỏ.
Đánh giá việc dùng Quỹ thời gian qua để kiềm chế giá xăng là ‘không hợp lý’, một DN xăng dầu cho hay: “Với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chúng tôi phải gửi vào một tài khoản ngân hàng cố định, lãi thì nhập vào gốc luôn và chúng tôi không được động vào số tiền đó. Nhưng khi Quỹ bị âm thì phải vay ngân hàng hoặc bù bằng vốn tự có. Lãi suất vay nhẹ nhất cũng khoảng 7-8%/năm, đó là bất hợp lý”.
“Nhiều doanh nghiệp hạn mức vay có hạn, nên không vay được, cho nên nguồn cung thiếu”, đại diện doanh nghiệp này cho hay và nói rằng “nhà điều hành có lẽ không lường được việc dùng Quỹ bình ổn ảnh hưởng đến nguồn cung như thế”.
Giá xăng 3 kỳ liên tiếp điều chỉnh tăng mạnh và mức dùng quỹ bình ổn giá đã giảm dần. Vậy nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn âm nặng Quỹ bình ổn giá, cho dù tốc độ âm có chậm hơn.
“Cứ đà này thì đến cuối năm may ra Quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp chúng tôi mới bằng 0 chứ chưa nói là dương”, vị đại diện DN xăng dầu chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay: “Bỏ quỹ này là đúng bởi quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng gì mà còn gây ra những kẽ hở cho tham nhũng, thậm chí làm nhiễu cả thị trường; khi giá rẻ đi thì bắt người ta mua giá đắt lên và ngược lại. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ ghi sổ, đơn vị nào để đơn vị đấy nên dễ tạo ra chi phí và tham nhũng trong quá trình quản lý”.
Đưa thêm điểm bất hợp lý, ông Phong cho biết: “Quỹ ở mỗi đơn vị là khác nhau trong khi xả quỹ, trích quỹ cùng một thời điểm, cùng một mức. Chỗ ít quỹ và chỗ nhiều quỹ sẽ xả ít nhiều khác nhau; hết quỹ vẫn xả dẫn đến phải vay, sau đó là xin-cho để bù lại, có thể dẫn đến tham nhũng. Tóm lại, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ đặt ra rất thiếu trách nhiệm, thiếu thực tiễn và để quá lâu thể hiện sự vô trách nhiệm và thiếu năng lực của cơ quan chức năng, bây giờ bỏ đi là hợp lý”
Từ Nguyên (t/h)